Trong bài viết mới đây trên Android Authoriy, nhà báo C. Scott Brown đã đưa ra những bình luận về sự thiếu đổi mới của Samsung. Anh cho rằng hãng điện thoại hàng đầu thế giới đang “lười biếng”, nhưng kỳ vọng thế hệ Galaxy S26 sẽ mang lại những giá trị mới mẻ hơn. Dưới đây là chia sẻ của Brown.
6 tháng sau khi Galaxy S25 ra mắt

Tháng 1 vừa qua, khi Samsung trình làng bộ ba chủ lực của dòng Galaxy S25, tôi đã không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích. Tôi đã thẳng thắn tự hỏi về sự tồn tại của Galaxy S25 và S25 Plus, đồng thời chỉ ra Galaxy S25 Ultra chỉ là một bản nâng cấp quá nhỏ giọt so với Galaxy S24 Ultra đến mức thật lạ lùng khi Samsung không hề giảm giá.
Thật bất ngờ, ngay tại thời điểm đó, Samsung lại hé lộ về một nhân tố quan trọng chưa xuất hiện của gia đình Galaxy S25: một chiếc điện thoại siêu mỏng, siêu nhẹ mang tên Galaxy S25 Edge. Điều này đã khơi dậy sự tò mò của tôi, bởi tôi đã hy vọng đây có thể là một bản nâng cấp thực sự, đủ sức đưa cả dòng sản phẩm từ mức “tầm thường” lên hàng “tuyệt tác”.
Tuy nhiên, chẳng có gì ngạc nhiên khi Galaxy S25 Edge đã có một màn ra mắt không như kỳ vọng. Doanh số của máy được cho là đã lao dốc không phanh sớm hơn nhiều so với dự kiến. Ngay cả những người hâm mộ trung thành của Samsung dường như cũng đã lãng quên nó, khi không còn được nhắc đến nhiều trên mạng.
Người dùng đơn giản là không quan tâm đến một chiếc điện thoại mỏng nhẹ nếu nó thiếu đi những tính năng cần thiết để trở thành một chiếc… điện thoại đúng nghĩa.
Điều này lại đưa tôi trở về vạch xuất phát. Sáu tháng đã trôi qua kể từ sự kiện ra mắt dòng Galaxy S25, và tôi vẫn cho rằng đây là một trong những dòng flagship lười biếng và đơn điệu nhất mà Samsung từng công bố.

Samsung không thể “bình mới rượu cũ” mãi được
Đã có rất nhiều phản ứng trái chiều trước bình phẩm của tôi ở trên về điện thoại Samsung. Có người cho rằng các khoản trợ giá, giá trị thu cũ đổi mới và các chương trình giảm giá khác đã khiến bộ đôi Galaxy S25 và S25 Plus trở nên hấp dẫn hơn so với các mẫu Galaxy S khác, đặc biệt khi được nâng cấp lên vi xử lý Snapdragon 8 Elite.
Dù đây đều là những lập luận có cơ sở và chính xác nhưng chúng đều dựa trên quan điểm rằng việc trang bị một con chip mới cho một bản sao y hệt chiếc điện thoại của năm ngoái là một chiến lược chấp nhận được đối với Samsung. Xin lỗi, nhưng tôi không thể đồng tình với điều đó.
Từ góc độ của một người yêu công nghệ, việc “xào lại” cùng một chiếc điện thoại với một bộ xử lý nhỉnh hơn một chút là một sự lười biếng đến mức gần như không thể chấp nhận.
Từ góc độ lòng trung thành của người dùng, nó hẳn phải khiến không ít fan Samsung cảm thấy muốn “nhảy thuyền” sang vô số các đối thủ cạnh tranh giàu sáng tạo hơn.
Bộ ba Galaxy S25 là những chiếc điện thoại tốt, nhưng chúng gần như không có bước tiến nào so với các thiết bị Galaxy S trong ba năm trở lại đây.
Ngay cả Galaxy S25 Ultra, dù có một vài nâng cấp so với Galaxy S24 Ultra, cũng khiến tôi vô cùng thất vọng. Việc Samsung “cải lùi” bút S-Pen bằng cách loại bỏ kết nối Bluetooth và giữ nguyên mức giá 1.300 USD khó tin cho một bản nâng cấp nhỏ giọt so với model năm ngoái cũng để lại một dư vị khó chịu trong tôi.
Dòng Galaxy S25 thậm chí còn quá giống với dòng Galaxy S22 đến nỗi lý do thực sự duy nhất để chọn model này thay vì model kia chỉ là con chip. Một năm lặp lại là hoàn toàn ổn, thậm chí hai năm cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ba năm liền chỉ “thay vỏ” cho cùng một sản phẩm? Samsung không thể cứ mãi như vậy.

Galaxy S25 Edge: Một bài học đắt giá về việc bỏ lỡ cơ hội
Năm ngoái, tôi đã từng giả định về việc Samsung sẽ ra mắt một mẫu Galaxy S25 Pro. Trong tưởng tượng của tôi, Galaxy S25 Pro là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Pixel 9 Pro, nhỏ gọn hơn Galaxy S25 Ultra nhưng vẫn giữ lại hầu hết các thông số kỹ thuật và tính năng quan trọng.
Rõ ràng, Samsung đã không thực sự ra mắt một chiếc Galaxy S25 Pro, nhưng khi lần đầu nghe về Galaxy S25 Edge, tôi đã nghĩ nó có thể thỏa mãn được mong muốn đó.
Thật không may, Galaxy S25 Edge đã gây thất vọng trên quá nhiều phương diện. Nó mỏng và nhẹ hơn bất kỳ chiếc điện thoại Galaxy nào khác, nhưng lại không hề nhỏ hơn. Nó vẫn khó sử dụng bằng một tay và vẫn chiếm nhiều diện tích trong túi quần. Tương tự, những thông số kỹ thuật mà Samsung quyết định cắt giảm so với các mẫu Galaxy S khác cũng thật khó hiểu. Ai lại thực sự muốn một chiếc điện thoại giá 1.100 USD với viên pin nhỏ, sạc chậm và không có ống kính tele?
Samsung dường như đã đặt cược lớn vào việc Galaxy S25 Edge sẽ làm đám đông phải trầm trồ — nhưng hầu hết mọi người chỉ nhún vai đáp lại.
Ngay cả từ góc độ ngôn ngữ thiết kế, Galaxy S25 Edge cũng chẳng hợp lý chút nào. Tại sao Samsung lại thiết kế lại cụm camera trên dòng Galaxy S25 để chúng trở nên đồng nhất hơn giữa dòng Galaxy S và Galaxy Z, rồi chỉ vài tháng sau lại từ bỏ những yếu tố thiết kế đó cho Galaxy S25 Edge?
Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng nó lại chồng chất thêm vào hàng loạt những quyết định khó hiểu được đưa ra với chiếc điện thoại này.
Edge 25 đã không chiếm được cảm tình của hầu hết người hâm mộ Samsung. Vẫn có một số người thực sự yêu thích nó — chỉ cần xem các bình luận trên video YouTube – nhưng đa phần phản ứng đối với sản phẩm của Samsung dường như là: “Thôi, xin kiếu”.
Một sản phẩm được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào gia đình Galaxy S25 cuối cùng lại chỉ kéo nó chìm sâu hơn.

Galaxy S26 tốt hơn hết hãy là một “bom tấn”
Khi đang viết những dòng này, tôi đã có thể hình dung ra phần bình luận sẽ tràn ngập những người cho rằng tôi rõ ràng là kẻ ghét điện thoại Samsung. Họ sẽ nói tôi không có một cái nhìn khách quan về đợt ra mắt năm nay vì đã có định kiến từ trước.
Nhưng hãy hiểu rõ rằng điều đó không đúng. Tôi thực sự thích Samsung. Thực tế, trong hơn một năm, chiếc điện thoại tôi dùng hàng ngày là Samsung Galaxy S21 Ultra, và cho đến tận hôm nay, đó vẫn là chiếc điện thoại Samsung yêu thích nhất của tôi.
Một trong những lý do tôi từ bỏ Samsung là vì quỹ đạo mà hãng đang đi. Công ty dường như hoàn toàn thờ ơ với các sản phẩm của mình và không còn mang lại bất cứ điều gì sáng tạo nữa.
Tôi không mong đợi một sự tái phát minh ra bánh xe mỗi năm — sự nhất quán và ổn định của thương hiệu cũng rất đáng nói — nhưng tôi mong đợi một điều gì đó để cảm thấy hào hứng.
Đó là thiết bị có một điều gì đó mà không chiếc điện thoại nào khác sở hữu, cũng như có một diện mạo và cảm giác độc đáo. Dòng Galaxy S25 đơn giản là không làm được bất kỳ điều nào trong số đó.
Tất nhiên, việc Samsung làm việc hời hợt (xin thứ lỗi cho cách chơi chữ) dường như không ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Theo chính công ty, doanh số dòng Galaxy S25 “rất mạnh mẽ”, và Hana Securities cho rằng Samsung đã bán được hơn 9 triệu chiếc —số liệu tính đến đầu tháng 5.
Nếu con số này là chính xác, sau khi điều chỉnh sự khác biệt về ngày ra mắt, dòng Galaxy S25 có thể đang bán chạy ngang với dòng Galaxy S24.
Tôi không phải là một người ghét Samsung, dù nghe thì có vẻ là như vậy. Tôi nói những điều này ra vì muốn Samsung thành công.
Dù sao đi nữa, tôi thực sự hy vọng Samsung sẽ nâng tầm cuộc chơi vào năm 2026 với dòng Galaxy S26. Galaxy S26 và Galaxy S26 Plus cần có camera tốt hơn và một bản cập nhật thiết kế mới mẻ.
Galaxy S26 Ultra cũng cần một sự làm mới về thiết kế, và nó cần phải cung cấp một cái gì đó mới để biện minh cho mức giá đắt đỏ của mình. Samsung cần làm điều này không chỉ để gây ấn tượng với những người khó tính như tôi, mà còn để duy trì sự phù hợp trên thị trường.
Tại Mỹ, Samsung thống trị thị trường Android. Ở đây chỉ phân ra người dùng iPhone hoặc là người dùng Samsung, và vẫn có những người gọi bất kỳ chiếc điện thoại nào không phải iPhone mà họ thấy là “Galaxy”.
Đó là một vị thế tuyệt vời đối với Samsung, nhưng họ không thể ngủ quên trên chiến thắng. Apple đang ngày càng chiếm nhiều thị phần hơn, và những người đam mê Android — xương sống cho vị thế của Samsung trên toàn thế giới — đang bắt đầu nhận thấy rằng Google, Motorola, OnePlus, OPPO, HONOR và các thương hiệu khác đang mang đến những sản phẩm sáng tạo, đẹp mắt và hữu ích, vượt xa bất cứ thứ gì Samsung đang làm.
Samsung có một khoảng thời gian ân hạn để có thể sống dựa vào danh tiếng của mình — nhưng cánh cửa đó đang khép lại rất nhanh, và năm 2026 có thể là hạn chót.