Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 4,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Với kết quả này, chỉ trong vòng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt mức cao nhất và vượt giá trị xuất khẩu các năm trong giai đoạn 2013 – 2023. Đóng góp lớn nhất phải kể đến mặt hàng sầu riêng.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, trị giá gần 6,68 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc chiếm 91% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới vào năm 2023, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Đáng chú ý, Thái Lan dù giữ vị trí nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất tại thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024, nhưng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc đã chi gần 3,87 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 785.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan với giá bình quân 4.927 USD/tấn (125.000 đồng/kg). Tuy nhiên, lượng sầu riêng nhập từ Thái Lan giảm 13,2% và giá trị giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá tăng nhẹ 0,6%.
Trong khi đó, nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong 10 tháng tăng mạnh 55% về lượng và giá trị tăng tới 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán là 3.964 USD/tấn (101.000 đồng/kg), giảm 8,1%. Sầu riêng Việt Nam chiếm tới 46,9% lượng sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu, đứng thứ 2 chỉ sau Thái Lan với 52,4%.
Philippines đang cho thấy mình là đối thủ đáng gờm với Thái Lan và Việt Nam khi tăng xuất sang Trung Quốc 208% về lượng và tăng 110% về kim ngạch. Giá nhập từ nước này cũng rẻ hơn hẳn, chỉ đạt 2.441 USD/tấn (62.000 đồng/tấn).
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh mua sầu riêng Việt Nam giúp loại trái cây này lập kỷ lục lịch sử xuất khẩu trên 3 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành rau, quả trong 10 tháng năm 2024, khi tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch, tăng so với mức 43% năm ngoái.
Triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm nhìn chung vẫn sẽ khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ.
Để bảo vệ thị phần của mình, Thái Lan đang khuyến khích tập trung vào việc tăng cường kiểm soát chất lượng và các tiêu chuẩn, giải quyết các vấn đề như sầu riêng mềm và tình trạng sâu bệnh. Việc đổi mới các giống sầu riêng mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng cũng có thể mang lại cho sầu riêng Thái Lan lợi thế cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào đã giảm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển đối với sầu riêng Thái Lan, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, khi thị trường đang gần bão hòa, việc đổi mới và thích ứng liên tục là điều bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan để duy trì vị trí dẫn đầu thị trường của họ.