spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngĐại chiến cà phê ở Trung Quốc: Gần 67.000 quán khai trương...

Đại chiến cà phê ở Trung Quốc: Gần 67.000 quán khai trương chỉ trong một năm, thị phần Starbucks tụt dốc chỉ còn 14%

Trong vòng một năm qua, Trung Quốc chứng kiến làn sóng mở mới gần 67.000 quán cà phê, bất chấp tình trạng cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều cửa hàng cũng phải đóng cửa. Tính chung, thị trường vẫn tăng ròng gần 12.000 quán.
Đại chiến cà phê ở Trung Quốc: Gần 67.000 quán khai trương chỉ trong một năm, thị phần Starbucks tụt dốc chỉ còn 14%- Ảnh 1.

Thị trường cà phê Trung Quốc đang bước vào giai đoạn bùng nổ khi nhiều quán cà phê liên tục “mọc lên”, cùng với cuộc chiến giá đã biến thức uống này trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ cơ quan quản lý cũng góp phần đẩy mạnh sức hút của cà phê trong nước. 

Cà phê giờ không còn là biểu tượng của sự xa xỉ nơi các thành phố lớn, mà đang dần trở thành một phần trong đời sống hàng ngày tại  các đô thị, kể cả những nơi kém sôi động hơn. Điều này đang buộc các thương hiệu lâu đời phải nhìn lại chiến lược của mình.

Theo nền tảng dữ liệu ngành thực phẩm Canyan.com, chỉ trong năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến 66.920 quán cà phê mới được khai trương. Sau khi trừ số lượng đóng cửa, con số tăng ròng lên tới gần 12.000 quán.

Làn sóng này diễn ra trong bối cảnh chính quyền thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đặc biệt là cà phê từ tỉnh Vân Nam, một vùng đất nổi tiếng trồng về cà phê. Hồi tháng 3, lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố rằng cà phê Vân Nam “đại diện cho Trung Quốc”.

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường này đã khiến nhiều “ông lớn” quốc tế chao đảo. Cụ thể, Starbucks, thương hiệu từng được xem là biểu tượng cà phê ở Trung Quốc, đang dần mất ưu thế. Theo Euromonitor, thị phần của hãng đã rớt mạnh từ 34% năm 2019 xuống còn 14% vào năm 2024. Cùng kỳ, doanh thu cùng cửa hàng tại thị trường này cũng giảm 8%.

Phần lớn đà tăng trưởng của các quán cà phê mới hiện nay đến từ các thành phố lớn thứ hai như Thành Đô (Tứ Xuyên), nơi ghi nhận thêm gần 2.000 quán mới trong năm ngoái, hay Hàng Châu (Chiết Giang) với hơn 1.700 quán mới, cho thấy làn sóng mở rộng không chỉ tập trung ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Theo ông Quách Hưng Quân, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi Nowwa Coffee, một trong những thương hiệu nội địa phát triển nhanh nhất hiện nay, thói quen tiêu dùng đang thay đổi rõ rệt.

“Cà phê không còn là thức uống của giới văn phòng. Ngày càng nhiều bạn trẻ làm công việc phổ thông như phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng hay tài xế giao hàng cũng chọn cà phê để uống mỗi ngày”, ông nói.

Ông này cho biết tại Thượng Hải, nơi có 24 triệu dân chỉ có khoảng 8 triệu người làm văn phòng còn lại là nhóm lao động phổ thông. Trước đây họ thường dùng nước tăng lực nhưng giờ cà phê trở thành lựa chọn thay thế phổ biến hơn.

Đại chiến cà phê ở Trung Quốc: Gần 67.000 quán khai trương chỉ trong một năm, thị phần Starbucks tụt dốc chỉ còn 14%- Ảnh 2.

Nắm bắt xu hướng đó, Nowwa liên tục mở rộng chuỗi quán, đặc biệt ở các thị trường tỉnh lẻ. Chỉ riêng tháng 3, thương hiệu này đã mở thêm hàng trăm điểm bán, ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi dù công ty không công bố chi tiết.

Mô hình quán nhỏ gọn, hiệu quả cao là chìa khóa giúp Nowwa tăng tốc. Khác với những quán Starbucks rộng khoảng 200m², các điểm bán của Nowwa thường chỉ rộng 30 – 40m², đặt ngay trong các cửa hàng tiện lợi, quán net hay khách sạn bình dân. Cách làm này giúp thương hiệu tận dụng được hạ tầng sẵn có, tiết kiệm chi phí mà vẫn có lượng khách ổn định.

Nhờ chiến lược này, Nowwa không chỉ vượt mặt K Coffee (thuộc KFC) về số lượng quán mà còn trở thành đối thủ đáng gờm của những tên tuổi cà phê giá rẻ như Manner.

Theo báo cáo của iiMedia, giá trị ngành cà phê Trung Quốc đã đạt 624 tỷ NDT (86 tỷ USD) vào cuối năm ngoái và dự kiến sẽ chạm mốc 1.000 tỷ nhân dân tệ ngay trong năm nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh cũng kéo theo áp lực cạnh tranh lớn. Giá cà phê bình quân tại Trung Quốc trong năm 2024 đã giảm còn 28 tệ/ly, giảm khoảng 14% so với năm trước, theo dữ liệu từ canyin88.com.

“Thị trường đang dần trở nên bão hoà,” ông Nathanael Lim, chuyên gia nghiên cứu ngành đồ uống châu Á, Thái Bình Dương tại Euromonitor, nhận định. 

Ông cũng nói thêm rằng việc các thương hiệu địa phương liên tục mở các cửa hàng mới đang kéo theo cuộc chiến giá gay gắt, khiến nhiều chuỗi nhỏ không trụ nổi và phải đóng cửa.

Để thích nghi, các thương hiệu cà phê tại Trung Quốc đang không ngừng đổi mới, từ việc mở rộng menu sang trà, bánh ngọt cho tới tung ra các món uống mang đậm bản sắc văn hóa. Nhiều thương hiệu còn đặt quán tại các địa điểm du lịch hoặc di tích lịch sử để thu hút giới trẻ và tạo hiệu ứng trên mạng xã hội. Với các thương hiệu ngoại, việc tăng cường yếu tố bản địa hóa và tìm kiếm đối tác trong nước sẽ là điều kiện tiên quyết.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật