Việt Nam đã có tầm nhìn với ngành công nghiệp ô tô từ lâu, nhưng do nhiều vấn đề mà ngành công nghiệp này, cũng như ngành công nghiệp phụ trợ, chưa phát triển nổi trội trong khu vực. VinFast, với vai trò là nhà sản xuất ô tô nội địa, đã và đang có nhiều nỗ lực cùng giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến lên.
VinFast đang đặt ra một mục tiêu lớn về tỷ lệ nội địa hóa của xe mà sẽ khó có thể thực hiện được nếu thiếu đi hai “trụ cột”: Hai nhà máy pin của hãng.
Hiện thực ngành công nghiệp xe Việt Nam
Dẫn số liệu từ Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết cả Việt Nam có khoảng 3.400 đơn vị tham gia trong ngành công nghiệp phụ trợ. Con số này tính gộp tất cả các ngành khác nhau, trong đó có một phần nhỏ phục vụ ô tô.
Ngành xe Việt Nam đã đón tiếp nhiều hãng xe lớn từ nước ngoài tới đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng và đặt nhà máy sản xuất; tuy nhiên, ngành công nghiệp xe nói chung của Việt Nam hưởng lợi không nhiều từ các doanh nghiệp này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ rằng Việt Nam cấp ưu đãi dựa trên cam kết của các nhà sản xuất ngoại tới đặt nhà máy; các đơn vị đó cam kết đạt khoảng 30% nội địa hóa Việt Nam sau khoảng 10 đến 15 năm, cam kết chuyển giao công nghệ, cam kết xuất khẩu…
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ngoại “dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ [các nhà sản xuất ngoại đặt nhà máy tại Việt Nam]”. Mức thuế dành cho các đơn vị này, theo bà Lan, chỉ là 10%; trong khi đó, các nhà sản xuất Việt Nam đang chịu mức thuế từ 17% đến 25%, khiến cho cơ hội phát triển là không cao.
Không chỉ vậy, cạnh tranh từ các quốc gia khác cũng là một trở ngại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay Thái Lan từ đầu đã xác định trở thành nơi phụ trợ rồi, do vậy mà tỷ lệ nội địa hóa của các nhà cung cấp tại Thái Lan cao hơn. Cũng vì Thái Lan ở ngay trong khu vực Đông Nam Á, các nhà sản xuất cũng ưu tiên nhập khẩu từ Thái Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bộc bạch: “Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thực sự là bài toán rất khó, và cũng chính vì thế nên công nghiệp hóa của Việt Nam không thực hiện được theo tiến độ. Vào năm 2020, chúng ta đã từng khát khao trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, sau đó lui lại năm 2030, nhưng liệu chúng ta có làm được hay không vẫn là một dấu hỏi. Chúng ta phải có sự nỗ lực hết sức to lớn mới có thể làm được”.
Khao khát sản xuất ô tô của Việt Nam đã nhen nhóm từ khoảng 30 năm trước, khi các nhà sản xuất đầu tiên tới Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan hồi tưởng: “Tôi không thể quên được ký ức ban đầu từ những năm 90, khi chúng ta bắt đầu mong muốn thiết kế chương trình công nghiệp hóa thì đã có 1 số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô. Từ Toyota, Isuzu, Hyundai, Daewoo, Ford… Đến năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên”.
Việt Nam khi đó mong rằng các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển được theo, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam tăng lên, người Việt học hỏi được kỹ năng, chuyển giao công nghệ được diễn ra; tất cả sẽ giúp định hình ngành công nghiệp Việt Nam.
84% một chiếc ô tô sẽ được làm tại Việt Nam
Trung bình một chiếc ô tô hiện nay có khoảng 30.000 chi tiết; thiết kế sao cho lượng lớn chi tiết đó có thể ăn khớp với nhau đã là một công việc mất rất nhiều công sức, làm ra một chiếc xe có thể cạnh tranh với những nhà sản xuất khác thì độ khó còn tăng lên rất cao.
Trong chiến lược phát triển của mình, VinFast đang đặt ra một mục tiêu lớn mà từ đó có thể tăng sức cạnh tranh của xe trên thị trường.
Cụ thể, VinFast đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 84% vào năm 2026. Hiện tại, mức nội địa hóa của xe VinFast, theo ước tính của hãng, là trên 60% sau 7 năm hoạt động. Tức là trong 2 năm tới, VinFast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa thêm khoảng 20%.
Hiện tại, VinFast được coi là một hãng xe thuần Việt, sản xuất xe tại Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, từ Đông Nam Á, Bắc Mỹ, tới châu Âu. Trong chiến lược nâng tỷ lệ nội địa hóa của mình, ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam – cho biết VinFast sẽ sản xuất pin.
Hiện tại, pack pin trên xe của VinFast đang được đóng gói tại hai nhà máy của hãng đặt tại Hải Phòng và Hà Tĩnh. Hai nhà máy này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với mục tiêu sản xuất pin như ông Lê Ngọc Anh nêu.
Xưởng đóng gói pin tại tổ hợp sản xuất VinFast Hải Phòng là nơi đầu tiên sản xuất thành công pack pin cho ô tô điện, cũng chịu trách nhiệm đóng gói pin cho các sản phẩm xe máy điện của hãng. Theo chia sẻ, xưởng đóng gói pin tại Hải Phòng của VinFast có công suất hàng năm khoảng 70.000 pack pin ô tô điện và 200.000 pack pin xe máy điện.
Trong khi đó, nhà máy pin tại Hà Tĩnh có công suất lớn hơn, đạt 100.000 pack/năm và dự kiến sẽ nâng gấp đôi công suất trong tương lai. Nhà máy pin VinFast tại Hà Tĩnh có quy mô 8 héc-ta tại giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ được xây dựng với các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp, và đóng gói.
Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam cũng đã tóm lược một vài giải pháp để hãng xe này nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Việc đầu tiên được nhắc tới là phối hợp với các đối tác sẵn có tại Việt Nam . Hợp tác của VinFast sẽ không phân biệt nhà sản xuất nội địa hay FDI (các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài). Điều này giúp VinFast giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời có thể thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
Hợp tác chuyển giao công nghệ cũng sẽ giúp VinFast gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, khi có thể đưa công nghệ tiên tiến của thế giới về Việt Nam. Đại diện của VinFast cũng cho biết sẽ phát triển năng lực nội bộ bằng cách đào tạo kỹ sư, công nhận để có thể vận hành công nghệ tối ưu nhất.
Chiến lược thứ ba được nhắc tới là kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển . Về phần này, VinFast cho biết sẽ tạo môi trường tốt để thu hút vốn, cũng như kinh nghiệm từ các cá nhân, tổ chức ở cả trong nước và ngoài nước.