Theo Oilprice, một thỏa thuận vận chuyển dầu bằng đường biển đã được thông qua giữa công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela và công ty lọc dầu hàng đầu Ấn Độ Reliance Industries.
Sự hồi sinh của thỏa thuận hoán đổi dầu bị tạm dừng do lệnh trừng phạt của Mỹ báo hiệu một bước tiến thận trọng cho cả hai bên – Ấn Độ cũng như Venezuela. Vào tháng 7, Washington đã cấp cho Reliance một giấy phép riêng, bật đèn xanh các hoạt động thương mại.
Đầu tháng này, một siêu tàu chở dầu chứa 1,9 triệu thùng dầu thô nặng Merey của Venezuela đã khởi hành đến cảng Sikka của Ấn Độ. Đổi lại, Reliance đã giao 500.000 thùng naphtha nặng cho PDVSA – một loại mà các nhà máy lọc dầu của Venezuela rất cần để xử lý dầu thô nặng của họ.
Đối với Reliance, đây không phải là lần đầu tiên công ty này thay đổi chính sách ngoại giao về dầu mỏ. Ấn Độ đã tạm dừng mua dầu của Venezuela vào tháng 3, do lo ngại về những đồn đoán rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể phản tác dụng. Giờ đây, khi giấy phép của Mỹ vẫn chưa hết hạn, Reliance dường như đã sẵn sàng để quay trở lại, mặc dù phải hết sức thận trọng.
Trước khi lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ lần đầu tiên được áp dụng đối với Venezuela, Reliance là khách hàng mua dầu thô lớn thứ hai của Venezuela sau nhà máy CNPC của Trung Quốc.
Mới đây, Reliance cũng đã ký một thỏa thuận dầu mỏ trị giá 13 tỷ USD một năm với Nga. Thỏa thuận kéo dài 10 năm này nhằm cung cấp 500.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 0,5% nguồn cung của thế giới. Điều này cho thấy, Ấn Độ đang đẩy mạnh mua dầu từ những nguồn giúp tiết kiệm chi phí.
Về phần mình, Venezuela đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngành dầu mỏ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của nước này đã phải dựa vào các thỏa thuận theo kiểu trao đổi để tồn tại, giao dịch dầu thô để lấy chất pha loãng rất cần thiết và các mặt hàng thiết yếu khác. Sự trở lại của Reliance là một cứu cánh, nhưng lại rất mong manh, phụ thuộc vào việc tuân thủ các ranh giới hẹp của sự chấp thuận từ phía Mỹ.
Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, được xác định ở mức hơn 300 tỷ thùng – so với mức khoảng 4,4 tỷ thùng của Việt Nam, tức gấp 68 lần. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ trước đó và một số vấn đề khác khiến nước này không tận dụng được tối đa nguồn dầu mỏ giàu có của mình.
Quốc gia này cũng là đối thủ của dầu Nga khi có mức giá hấp dẫn nhờ vào sản lượng khổng lồ. Sau khi được Mỹ nới lệnh trừng phạt, một loạt các quốc gia đã đổ xô đến Venezuela để mua dầu thô, trong đó có một lượng lớn khách hàng châu Á, như Trung Quốc.
Tham khảo: Oilprice, Reuters