Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý, giá bạc hôm nay giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, niêm yết ở mức 1.308.000 đồng/lượng (mua vào) và 1.348.000 đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Tuần trước, giá bạc trong nước lập đỉnh mới, tăng 87,9% trong vòng 1 năm qua.
Trong khi đó, loại bạc thỏi 999 1kg có giá 34.879.913 đồng/thỏi (mua vào) và 35.946.577 đồng/thỏi (bán ra), cập nhật lúc 8:44 ngày 31/3.
Trên thị trường quốc tế, giá bạc giao dịch tại mức 34,15 USD/ounce, không biến động mạnh so với phiên trước, tương đương khoảng 875.000 – 881.000 đồng/ounce (mua – bán).

Sau khi thiết lập đà tăng ấn tượng trong quý I/2025, giá bạc thế giới đang có dấu hiệu điều chỉnh khi chạm các ngưỡng kháng cự mạnh. Theo giới phân tích, đợt điều chỉnh hiện tại chủ yếu đến từ áp lực chốt lời của nhà đầu tư, không phản ánh tín hiệu suy yếu dài hạn của kim loại quý này.
Đáng chú ý, theo Kitco, mạng xã hội X (Twitter) đang lan truyền chiến dịch SilverSqueeze 2.0 – phong trào kêu gọi mua vào ồ ạt bạc vật chất nhằm siết chặt nguồn cung, tương tự sự kiện “GameStop” trên phố Wall năm 2021.
Phong trào này xuất phát từ niềm tin rằng giá bạc đang bị thao túng trên thị trường hợp đồng tương lai, khiến giá bị kìm hãm dù các yếu tố như lạm phát tăng, nhu cầu vật chất cao, nguồn cung thiếu hụt và giá vàng tăng mạnh đều đang ủng hộ một mức giá bạc cao hơn.
Những người ủng hộ phong trào tin rằng, nếu đồng loạt mua vào và không bán ra ngay cả khi có phản ứng ngược từ thị trường, giá bạc có thể bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự và kích hoạt một chu kỳ tăng giá mới.
Trong đợt Silver Squeeze đầu tiên vào năm 2021, làn sóng đầu tư cá nhân đã khiến khối lượng giao dịch ETF bạc SLV tăng gấp chín lần, đẩy giá bạc từ 25 USD lên 29,50 USD trong thời gian ngắn. Một số cổ phiếu bạc thậm chí đã tăng từ 30-40% chỉ trong ba ngày, bất chấp giá vàng không có biến động đáng kể. Tuy nhiên, đợt tăng giá này nhanh chóng mất đà do thiếu sự hỗ trợ từ nhu cầu thực sự.