Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu Tuyết Nga tại quận 12, TP HCM – cho biết gần đây 3 loại trái cây cao cấp là nho mẫu đơn, nho đỏ và lê sữa có giá bán ngày càng rẻ. Nguyên do là sau khi Trung Quốc trồng thành công và đẩy mạnh xuất khẩu các loại quả này nên nho, lê Hàn Quốc, Nhật Bản không còn độc quyền như trước.
Nho mẫu đơn siêu rẻ
Theo đó, nho mẫu đơn trước đây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản từng có giá đến vài ba triệu đồng/kg, thì nay các siêu thị, cửa hàng như Bách Hóa Xanh hiện bán nho mẫu đơn xuất xứ từ Trung Quốc giá chỉ 69.000 đồng/hộp 500 gram, mua 2 hộp chỉ còn 49.000 đồng (tương đương 98.000 đồng/kg); Co.opMart cũng bán loại nho này nhưng giá chỉ 95.900 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, một số thời điểm nho mẫu đơn có giá chỉ từ 50.000 – 80.000 đồng/kg nhưng độ tươi không bằng hàng tại siêu thị. “Xét về độ ngon, hình thức thì nho mẫu đơn Trung Quốc chỉ đạt từ 6-7/10 so với nho mẫu đơn Hàn Quốc do chưa đạt độ giòn, ngọt và mọng nước nhưng giá cả phù hợp với phần đông người tiêu dùng” – bà Nga nhận xét.
Riêng nho đỏ giống Úc trồng tại Trung Quốc có độ ngon tương đương hàng Úc nhưng giá chỉ bằng một nửa, khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Hay như lê sữa Trung Quốc 1 thùng 15 kg chỉ 600.000 đồng (tương đương 40.000 đồng/kg) trong khi lê nâu Hàn Quốc 1 thùng 5 kg giá đến 650.000 đồng (tương đương 130.000 đồng/kg).
Do hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nên giá nho mẫu đơn xuất xứ Hàn Quốc tuy có giảm giá nhưng vẫn cao hơn hàng Trung Quốc loại 1 đến 3-4 lần.
Bà Nga nói thêm trái cây Trung Quốc có nhiều loại và nhiều giá khác nhau, những đơn vị uy tín sẽ chọn nhà cung cấp là doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng chính ngạch, nguồn hàng đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Do đó, người tiêu dùng lưu ý tránh mua phải hàng dạt hoặc hàng Trung Quốc nhưng gắn mác xuất xứ nước khác để bán giá cao.
Không riêng gì lê sữa và nho mẫu đơn, nhiều loại trái cây ngoại trước đây nhập khẩu với số lượng ít nên giá bán rất cao nhưng nay giá giảm chỉ bằng 1/3, thậm chí rẻ một nửa so với vài năm trước. Quan sát tại các siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market, Big C, GO! từ đầu năm đến nay, tần suất áp dụng “siêu giảm giá” cho các loại táo, cam nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Trung Quốc… khá dày. Ngay thời điểm hiện tại, các siêu thị cũng đang áp dụng giảm giá đối với mặt hàng táo túi xuất xứ Nam Phi còn 39.000 đồng/kg.
Thậm chí, có người tiêu dùng canh giờ giảm giá cuối ngày của Bách Hóa Xanh mua được táo Koru nhập khẩu giá chỉ… 15.000 đồng/kg (giá gốc gần 63.000 đồng/kg).
Những loại trái cây từng được xếp vào dạng cao cấp, dành cho giới “nhà giàu” như táo Envy, cherry, kiwi… gần đây đã được bình dân hóa với đa dạng phân khúc giá khác nhau. “Do thuế nhập khẩu hàng hóa (bao gồm trái cây) từ các thị trường vào Việt Nam đã giảm xuống thấp, thậm chí về 0% theo các hiệp định thương mại tự do, giá hàng ngoại về Việt Nam rẻ hơn. Tuy nhiên, lý do chính là gần đây, rất nhiều DN tham gia nhập khẩu, phân phối trái cây từ các nước. Bản thân các DN bán lẻ cũng chủ động nhập hàng và bán với giá rẻ để lôi kéo khách hàng đến mua sắm” – giám đốc marketing một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM lý giải.
Theo giới kinh doanh, điều kiện để nhập khẩu trái cây ngoại về Việt Nam là phải nhập số lượng lớn, tiêu thụ nhanh và khi DN càng nhập nhiều, bán nhanh thì càng mua được hàng ở nước ngoài với giá tốt, kéo giá thành và giá bán giảm thêm.
Thận trọng hàng hết “đát”
Không chỉ trái cây, các mặt hàng thủy, hải sản nhập khẩu cũng từng rất đắt đỏ nay đã trở nên đại trà như cá hồi, cồi sò điệp… Trong đó, cá hồi có rất nhiều loại, xuất xứ từ Na Uy, Canada, Nhật Bản… và cả cá hồi nuôi trong nước. Tuy nhiên, dù giá cá hồi không còn cao như trước nhưng lại xuất hiện tình trạng loạn giá cá hồi và có sự chênh lệch giá khá lớn giữa kênh phân phối. Các cửa hàng chuyên bán thực phẩm nhập khẩu cao cấp vẫn có phân khúc giá riêng, siêu thị có giá khác, còn trên thương mại điện tử thì loạn giá. “Nguyên tắc cơ bản là mua hàng đúng chất lượng, tiền nào của đó” – một DN cho biết.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải Sản Hoàng Gia, cho hay với hải sản nhập khẩu, yếu tố mùa vụ quan trọng nhất quyết định đến giá cả. Thường nếu người tiêu dùng mua vào mùa cao điểm khai thác, giá rẻ hơn 20%-30% so với các mùa khác. “Ở nước ngoài, họ kiểm soát tốt việc khai thác để tránh rớt giá quá mạnh. Thỉnh thoảng có những lô hải sản giá rẻ do gần hết hạn sử dụng hoặc hàng xuất khẩu bị lỗi nhưng không nhiều. Người tiêu dùng nên thận trọng với hàng giá rẻ bất thường” – ông Trường nói.
Tại buổi chia sẻ về ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) mới đây, chuyên gia Đỗ Duy Thanh kể về một chuỗi cửa hàng chuyên thịt bò bít-tết nhập 3 tấn bò ngoại với giá chỉ 180.000 đồng/kg trong khi bình thường tới 280.000 đồng/kg do lô hàng chỉ còn hạn sử dụng dưới 6 tháng. “Nếu tính toán được việc tiêu thụ hết lô hàng trước khi hết hạn, khách hàng có thể cân nhắc về nguồn hàng này để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, phải tính toán thật kỹ, tránh việc mua về lại lưu kho dài hạn rất rủi ro” – ông Thanh nói.
Sò điệp Nhật Bản rẻ hơn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sò điệp đông lạnh nguyên vỏ từ Nhật sang Việt Nam đạt 13.075 tấn, tăng gần 21 lần so với cùng kỳ năm trước, giá trung bình đạt 231 JPY/kg (tương đương 40.000 đồng/kg) giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khảo sát trên một số trang thương mại điện tử cho thấy nhiều gian hàng đang giảm giá mặt hàng này so với trước đây. Ví dụ, sò điệp Nhật Bản nguyên con giá 115.000 đồng/kg (giảm 36%); sò điệp Nhật 1 mảnh 158.000 đồng/kg (giảm giá 20%),…