Ngày 13-12, giếng nước tại rẫy cà phê nhà ông Bùi Văn Tự (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vẫn phun mạnh khỏi mặt đất, hòa với khí tạo thành cột cao hàng chục mét.
Vào buổi chiều 5 hôm trước, ông Tự thuê người khoan giếng tại vườn cà phê của gia đình để lấy nước tưới và sinh hoạt. Khi khoan đến độ sâu 90 m thì bất ngờ nước từ dưới phun trào lên, kèm theo bọt khí. Sau đó, gia đình ông Tự đã cố lấy cọc bê-tông để bịt miệng giếng lại. Tuy nhiên, do áp lực quá mạnh nên cọc nặng cả tạ cũng bị đẩy ngược lên trên.
Ông Đào Quang Bình, Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho biết sau khi nắm bắt thông tin, xã đã phối hợp với đơn vị liên quan tuyên truyền cho hộ dân quy định về việc khai thác, sử dụng nước dưới đất. Đồng thời đã có báo cáo gửi UBND huyện Chư Prông về hiện tượng giếng nước phun trào khỏi mặt đất trên.
Trước đó, vào cuối tháng 7, từ giếng nước cũ, gia đình ông Đàm Xuân Hòa đã khoan thêm đến độ sâu 186m thì cũng gặp hiện tượng nước – hỗn hợp khí phun cao hơn mặt đất trên 10 m. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã kiểm tra và xác định lượng nước và hỗn hợp khí phun cao khỏi miệng lỗ khoan có lưu lượng khoảng 0,2 – 0,3 lít/s.
Giếng nước phun trào rất mạnh, không thể dùng cọc bê tông lấp lại
Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí. Nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí.
Qua phân tích mẫu nước cho thấy nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm trong giá trị giới hạn theo tiêu chuẩn.