Ngày 4/1, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và Nhóm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam – gửi văn bản phản ánh về việc thay đổi mã số hàng hóa nhập khẩu khiến người chăn nuôi và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo Nghị định 144 ngày 1/11/2024, thuế nhập khẩu với khô dầu đậu tương (mã số hàng hóa 23040090) đã giảm từ 2% xuống 1%. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp ngành chăn nuôi duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả lương thực, thực phẩm trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, từ khi Nghị định 144 chính thức có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, chúng tôi không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, từ đầu tháng 12/2024, các chi cục hải quan TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu áp mã số hàng hóa đối với mặt hàng này là 23040029, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 2%”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Như vậy, ở đây có sự khác biệt, chưa thống nhất về mã số hàng hóa và thuế thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng Khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi khiến nhiều doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế. Điều này làm tăng thời gian thông quan hàng hóa, phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tâm lý của dư luận đối với tính đồng bộ, khách quan trong các quy định của cơ quan quản lý.
Theo các đơn vị kiến nghị, nếu thuế suất thuế nhập ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi đều được áp dụng ở mức 1% thì có thể góp phần tăng sản lượng nhập khẩu và hài hòa cán cân thương mại với Hoa Kỳ, tránh nguy cơ bị chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp dụng các biện pháp giám sát và tự vệ thương mại gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Nhóm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét kịp thời đưa ra giải pháp điều chỉnh, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi; đề xuất các doanh nghiệp được phép hồi tố hoàn thuế nhập khẩu cho các lô hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ ngày 16/12/2024 theo Nghị định 144.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2024 ước đạt 21,5 triệu tấn (tăng 3,4% so với năm 2023), trong đó thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 55,3% (11,9 triệu tấn), thức ăn chăn nuôi cho gia cầm chiếm 40,9% (8,8 triệu tấn), còn lại 3,7% là thức ăn cho vật nuôi khác. Tuy nhiên, hiện hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, chiếm trên 65% nguyên liệu thô, trên 90% thức ăn bổ sung.