spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị Trường"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí

"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ… phụ phí

Năm nay, giá các dịch vụ trong dịp sát Tết ghi nhận mức tăng dao động từ 10-20%, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và ăn uống.

Phụ phí tăng từ 10 – 20%

Những ngày cận Tết, các tiệm làm tóc, làm móng, spa luôn trong tình trạng đông nghịt khách. Chị Quỳnh Hoa, chủ một spa tại quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: “Tết là dịp cao điểm trong năm vì ai cũng muốn mình đẹp hơn khi về quê hay đi chơi. Do lượng khách tăng gấp 2-3 lần ngày thường, chúng tôi phải động viên nhân viên làm việc đến khuya và thêm thưởng Tết. Vì thế, việc điều chỉnh giá tăng khoảng 15% là điều không tránh khỏi để bù đắp chi phí nhân công và vận hành.”

"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí- Ảnh 1.

Nhân viên một cửa hàng làm móng tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hiền

Một số khách hàng cho rằng, dù giá tăng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì đây là thời điểm hiếm hoi trong năm người dân có thời gian để chăm sóc bản thân. “Cả năm bận rộn, Tết là lúc để mình tự thưởng cho bản thân. Dù giá có cao hơn một chút, nhưng được thư giãn và làm đẹp thì cũng xứng đáng,” chị Hà Phương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chất lượng dịch vụ có thể bị ảnh hưởng. Chị Quỳnh Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng chị khá thất vọng khi làm tóc tại một salon với giá 3 triệu đồng, tăng 20% so với ngày bình thường nhưng chất lượng thì không được như kỳ vọng.

“Tôi hiểu giá tăng là chuyện bình thường vào dịp Tết, nhưng vì khách đông quá nên thợ làm không còn tỉ mỉ như ngày thường. Dù vậy, tôi vẫn chấp nhận vì Tết mà, ai cũng muốn đẹp”, chị Quỳnh Anh tâm sự. 

"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí- Ảnh 2.
"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí- Ảnh 3.

Thông báo thu phụ phí của một số cửa hàng làm đẹp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hiền.

Không chỉ dịch vụ làm đẹp, các quán ăn vỉa hè cũng ghi nhận mức giá tăng đáng kể trong dịp Tết. Một bát bún riêu bình dân ngày thường có giá 40.000 – 50.000 đồng thì nay đã tăng lên 60.000 – 70.000 đồng do phụ thu, có những nơi không phụ thu phí thì khách hàng phải tự phục vụ do nhân viên đã về quê. Các chủ quán lý giải rằng Tết năm nay đến sớm nên nhân công cũng muốn xin về quê sớm, giá nguyên liệu, chi phí hoạt động,… đều tăng cao trong những ngày lễ.

"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí- Ảnh 4.

Ảnh: Ngọc Hiền.

Chủ một quán bún riêu trên phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Nguồn hàng thực phẩm dịp Tết khan hiếm hơn, giá nhập vào cũng tăng 15-20%. Ngoài ra, tôi phải trả lương thêm cho nhân viên làm việc ngày Tết, nên khó có thể giữ nguyên giá như ngày thường được.”

Theo đó, giá trông giữ xe ở các khu vực trung tâm, điểm du lịch có thể tăng gấp đôi, gấp ba, từ 10.000 đồng/lượt lên 20.000 – 30.000 đồng/lượt, thậm chí cao hơn.

Cân nhắc chi tiêu hợp lý dịp Tết

Mặc dù giá cả tăng vào dịp Tết là điều không thể tránh khỏi, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể chủ động quản lý tài chính để không rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”. Thay vì sử dụng dịch vụ tại các địa điểm đắt đỏ và đông đúc, nhiều người lựa chọn những nơi có giá cả hợp lý hơn hoặc tự làm tại nhà. 

"Hốt bạc" ngày cận Tết nhờ... phụ phí- Ảnh 5.

Ảnh: Ngọc Hiền

Chị Anh Thư (Hoàng Mai, Hà Nội) từ lâu đã có thói quen tự chăm sóc móng tay tại nhà, nhất là dịp cận Tết Nguyên Đán, khi giá cả tăng mà nơi nào cũng đông đúc.

“Tự làm tuy không chuyên nghiệp bằng ngoài tiệm, nhưng mình thấy vừa tiết kiệm, vừa thoải mái, lại không phải chen chúc chờ đợi. Nhiều bạn bè cũng vì thế mà nhờ mình làm đẹp luôn cho họ.”, chị Thư chia sẻ.

Nhìn chung, việc tăng giá các loại dịch vụ trong dịp Tết là hiện tượng phổ biến, phản ánh quy luật cung – cầu của thị trường. Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung có hạn dẫn đến giá cả tăng là điều tất yếu. 

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, xét về mặt kinh tế, việc tăng giá trong dịp Tết không hẳn là tiêu cực. Nó tạo động lực cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người lao động có thêm thu nhập trong dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

“Tuy nhiên, việc tăng giá cũng cần được kiểm soát hợp lý. Các cơ quan chức năng cần có những chỉ đạo để đảm bảo sự bình ổn giá, tránh hiện tượng tăng giá quá mức, gây ra những cái biến động và thiệt hại lợi ích cho người tiêu dùng”, chuyên gia cho biết.

Về phía người tiêu dùng, cũng cần có sự cân nhắc, lựa chọn thông minh để vừa đảm bảo nhu cầu, vừa bảo vệ túi tiền của mình. Bên cạnh đó, người dân nên tham khảo nhiều địa điểm, cơ sở kinh doanh khác nhau để lựa chọn mức giá phù hợp trên tinh thần là chấp nhận mức tăng vừa phải. Nên lựa chọn thời điểm mua cho phù hợp, tránh trường hợp mà tiêu dùng lãng phí hoặc là trở thành khi nạn nhân của chính mình do tâm lý cả tin, chạy theo số đông…

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tăng giá thời điểm sát Tết phản ánh mối quan hệ thị trường trong quá trình cân đối giữa cung và cầu. Nếu chi phí tăng quá mức thì nhu cầu sẽ giảm đi, khi đó giá cả sẽ trở về mức bình ổn. Vì vậy, đây chỉ là sự kiện mang tính chất thời điểm và sẽ không kéo dài quá 1 tuần sau Tết.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật