Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, đạt 41 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2024 (18 triệu USD).
Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ trong 2 tháng đầu năm nay tiếp nối đà tăng của năm 2024 (với 218 triệu USD, tăng 72% so với 2023). Nghêu tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong nhóm nhuyễn thể có vỏ, đạt hơn 14 triệu USD, tăng 41% so với năm 2024 (10 triệu USD). Mặt hàng nghêu của Việt Nam đang có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế.
Trong nhóm các mặt hàng nhuyễn thể có vỏ, ốc và sò điệp đứng ở các vị trí tiếp theo, ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục. Xuất khẩu ốc tăng 673%, từ 2 triệu USD của 2 tháng đầu năm 2024 lên 14 triệu USD trong cùng kỳ năm nay, trong khi sò điệp cũng tăng mạnh 479%, từ 2 triệu USD lên 10 triệu USD.
2 tháng đầu năm nay, sò và hến cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, lần lượt tăng 128% và 65%. Tuy vậy, trái ngược với xu hướng tăng trưởng chung, hàu lại giảm 43%, từ 3 triệu USD xuống còn 2 triệu USD. Bào ngư giảm mạnh, chỉ đạt 623 USD, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái (96.579 USD).

Các sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể phục vụ xuất khẩu khá phong phú, bao gồm: thịt nghêu luộc đông lạnh IQF, nghêu luộc 1 mảnh vỏ, nghêu nguyên con, cồi điệp đông lạnh, thịt sò đông lạnh, thịt nghêu hộp được thị trường ưa chuộng.
Nhuyễn thể Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Những năm gần đây, DN đã và đang mở rộng thị trường sang các vùng Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á.
Với mức tăng trưởng tốt trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam có tiềm năng bứt phá trong năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng giống thấp, bị suy giảm, mật độ nuôi tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi, chất lượng môi trường nuôi suy giảm. Điều này khiến nguồn cung nhuyễn thể nguyên liệu chưa đảm bảo.
Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ như nghêu, hàu, ốc, và sò điệp.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; trong đó, nghêu đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Tại các tỉnh khu vực phía Nam, nhuyễn thể có vỏ tập trung ở các địa phương có biển như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang.