Trong số các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu của Việt Nam, sò điệp là 1 nhóm sản phẩm xuất khẩu giá trị lớn, đứng thứ 3 chỉ sau nghêu và ốc.
Năm 2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam tăng trưởng cao liên tục, chỉ riêng trong tháng 10 xuất khẩu nhóm sản phẩm này đã đạt hơn 8 triệu USD, tăng mạnh 1.700% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt hơn 31 triệu USD, tăng 206%.
Các sản phẩm sò điệp của Việt Nam đã xuất khẩu được sang hơn 20 thị trường trên thế giới. Năm 2024, xuất khẩu sò điệp sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ, Đan Mạch và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất sò điệp của Việt Nam.
Đáng chú ý tại thị trường Mỹ, xuất khẩu sò điệp của Việt Nam sang thị trường này năm 2023 chỉ xuất hiện một vài đơn hàng, bước sang năm 2024 sò điệp của Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, với các đơn hàng ngày càng lớn và đều đặn từng tháng. Giá trị xuất khẩu sò điệp sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 11 triệu USD , tăng gấp 131 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, xuất khẩu sò điệp sang Nhật Bản cũng tăng “phi mã” tới 312% trong 10 tháng đầu năm. Từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với thủy sản Nhật Bản do sự kiện xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra đại dương vào tháng 8/2023, Nhật Bản không ngừng đa dạng thị trường xuất khẩu sò điệp.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Việt Nam có nhiều nhà máy gia công hải sản, trong đó có sò điệp nên có sẵn kinh nghiệm sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam làm nơi gia công, từ đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước ASEAN.
Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp thủy sản Nhật Bản bắt đầu thí điểm chế biến sò điệp Hokkaido tại Việt Nam. Một chuyến hàng khoảng 20 tấn sò điệp nguyên vỏ đã được doanh nghiệp Nhật đưa sang Việt Nam chế biến, sau đó xuất ngược về Nhật Bản để bán cho các nhà hàng và đơn vị bán lẻ. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu sò điệp của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh.
Các cơ sở tại Việt Nam đều có chứng nhận HACCP – một tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Sò điệp được chế biến từ đây có thể được xuất khẩu sang các thị trường ngoài Nhật Bản, do đó các công ty Nhật Bản cũng sẽ xem xét việc bán sò điệp sang Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công cho việc chế biến tại Việt Nam chỉ bằng 20 – 30% chi phí tại Nhật Bản. Đối với sò điệp dùng làm sushi và ăn sống, giá của loại này được kỳ vọng sẽ thấp hơn khi được chế biến tại Nhật Bản dù đã tính cả các chi phí vận chuyển. Sò điệp nửa vỏ cần ít sức lao động hơn, được dự đoán sẽ có giá bằng với loại tương tự được chế biến ở Nhật.
Trái với xu hướng xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản, Xuất khẩu sò điệp sang Đan Mạch lại có xu hướng sụt giảm. Sau 3 thị trường chính là các thị trường như Australia, Singapore, Thái Lan,… Dự kiến, xuất khẩu sò điệp của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.