spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngLàm giàu từ hạt muối, trả nợ diêm dân

Làm giàu từ hạt muối, trả nợ diêm dân

Bộ NN-PTNT sẽ nâng tầm giá trị hạt muối thông qua tích hợp đa giá trị, làm muối là làm giàu chứ không phải nghèo đói

Muối ở Việt Nam gắn với văn hóa, quan niệm may mắn: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối ở mỗi vùng sẽ có những đặc điểm khác nhau, thể hiện sự đa dạng vùng miền, sản phẩm (với những phương pháp độc đáo như: Muối phơi cát, phơi nước). 

Làm giàu từ hạt muối, trả nợ diêm dân- Ảnh 1.

Độc đáo nghề sản xuất muối phơi cát truyền thống ở Quỳnh Lưu, Nghệ An

Nghề muối đã từng hưng thịnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ngành muối Việt Nam có tiềm năng lớn với 3.200 km bờ biển; 11.000 ha sản xuất; sản lượng cao, trong đó cung cấp nhu cầu ăn, chế biến thực phẩm; công nghiệp; y tế và làm đẹp. Chính phủ rất quan tâm đến làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng.

Nói về lịch sử của ngành muối, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh kể từ xa xưa nghề muối đã được ông bà tổ tiên xem là nghề rất quan trọng. 

Năm 1927, ngay cả người Pháp cũng xem muối của Việt Nam là nghề khai khoáng, họ coi muối như sản phẩm phải chinh phục để đem về Pháp và bán sang Trung Đông. Theo đó, họ xây dựng những cánh đồng muối đẹp như trong tranh. Cánh đồng muối Tam Đồng (Thái Bình); Bạch Long (Nam Định); Vĩnh Ngọc (Nghệ An); Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Tuyết Diêm (Phú Yên); Đông Hải (Bạc Liêu)… 

 “Việt Nam có hệ thống cánh đồng muối cùng với phương sản xuất độc đáo có thể coi là di sản; ở Bạc Liêu, muối đã được công nhận chỉ dẫn địa lý” – ông Thịnh chia sẻ.

“Đáng tiếc rằng chúng ta có tiềm năng, bề dày lịch sử nhưng nghề muối còn khó khăn” – ông nói. Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường. 

Nghề muối sau nhiều năm phát triển vẫn gắn với sự khó khăn, nghèo đói. Tuy nhiên, ngành muối hoàn toàn có thể xóa bỏ “lời nguyền” sản xuất muối là gắn với sự nghèo đói mà cần tích hợp đa giá trị; gắn với du lịch, chế biến.

Làm giàu từ hạt muối, trả nợ diêm dân- Ảnh 2.

Làng muối Tuyết Diêm (Phú Yên) có tuổi đời lên đến gần 150 tuổi, muối sau khi được thu hoạch sẽ được nhân công cẩn thận xếp vào lò và đun liên tục trong 24 giờ

Trên cả nước, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư chế biến muối. Tiêu biểu, Tây Ninh dù không có biển nhưng lại có sản phẩm muối ớt nổi tiếng. Hoặc tại cánh đồng muối ở Diêm Điền (Thái Bình), nhiều tổ chức, cá nhân đã tính đến việc liên kết sản xuất muối gắn với du lịch. 

Hiện, một số dự án tại Cà Ná (Ninh Thuận) lên tới hàng tỉ đồng; tại Bạc Liêu, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ tìm hiểu, nhất là hạ tầng, nhà kho trong việc phát triển muối. “Phát triển đa giá trị gắn với cải tiến chất lượng, mẫu mã, tôi tin rằng giá hạt muối không phải chịu mức giá quá thấp 1.000 đồng/kg mà có thể gấp rất nhiều lần. Bộ NN-PTNT sẽ nâng tầm giá trị hạt muối, làm muối là làm giàu” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Trả nợ diêm dân

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nghề muối tại Bạc Liêu có 700 hộ diêm với 1.400 ha muối, gắn bó bao đời nay. Những hộ làm nghề muối tuy có khó khăn, vất vả và bấp bênh, nhưng vẫn luôn yêu nghề và gắn bó với nghề. 

Tuy nhiên, giá muối trên địa bàn từ xưa không cao, chỉ loanh quanh hơn 1.000 đồng/kg. Điều này khiến các nhà đầu tư kém mặn mà. Sau khi nhận thức rõ tiềm năng, giá trị của muối, Bạc Liêu đã đẩy mạnh xuất khẩu muối, một năm khoảng 20.000 tấn, đồng thời kêu gọi thêm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành một đề án phát triển nghề muối.

“Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ các diêm hộ tập huấn nâng cao năng lực, hình thành HTX, hỗ trợ công cụ chế biến muối cho các HTX. Hiện nay, đã có trên dưới 10 HTX về sản xuất muối, và dần dần hình thành chuỗi liên kết các HTX tại địa bàn tỉnh” – ông Ngô Nguyên Phong cho biết. 

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư doanh nghiệp của Singapore, Hàn Quốc… tham quan, khảo sát, xây dựng nhà máy, khu chế biến, kho chứa tại cánh đồng muối, khu trưng bày sản phẩm từ muối của địa phương này.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, phát triển nghề muối là cách để trả nợ diêm dân, khi lâu nay làm muối từ bao đời mà vẫn còn nghèo đói. Hiện nay, làng muối hầm hay còn gọi là Tuyết Diêm, nằm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã bắt đầu đi theo hướng làm muối gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh. 

Ông Lê Đức Thịnh kể mỗi lần có dịp đi công tác nước ngoài như sang Hàn Quốc, Pháp… đều đem muối của họ về để học cách người ta phát triển.

“Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đi Áo cũng xách muối về cho tôi tìm hiểu. Đó cũng là muối như của chúng ta làm ra, song họ cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm với giá trị dinh dưỡng, khoáng nên giá bán tính ra tiền Việt Nam không dưới 1 triệu đồng/kg.

 Ông Thịnh cho hay nhiều loại muối thậm chí có giá 5-7 triệu đồng/kg; cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Vì vậy, phát triển nghề muối bền vững cần có chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác tiềm năng từ các sản phẩm muối đa dạng và tích hợp đa giá trị. Để gia tăng giá trị kinh tế, cần cải tiến chất lượng muối, nâng cao mẫu mã, thương hiệu cũng như áp dụng du lịch sinh thái gắn với làng nghề muối.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), nghề muối không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn là vấn đề mang tính văn hóa, xã hội, nhìn nhận câu chuyện muối là một phần của lịch sử. 

“Các sản phẩm muối của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Pháp. Hay muối tạo ra những sản phẩm độc đáo như trà rau sam mang đến hương vị đặc sắc, đậm đà từ vùng muối của Bạc Liêu” – đại diện UNDP chia sẻ.

Hướng tới sản lượng 2 triệu tấn muối/năm

Theo Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ; áp dụng khoa học và công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp; tận thu các sản phẩm phụ (thạch cao và nước ót).

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật