
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 147 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương trên 60 triệu USD, giảm 18,2% về lượng và giảm 16,7% kim ngạch so với tháng 1/2024.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 411 USD/tấn, tăng 1,8%.
Xét về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc với hơn 54 nghìn tấn, trị giá hơn 20 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với tháng 1/2024. Giá bình quân 378 USD/tấn, giảm 7,7%.
Đứng thứ 2 là thị trường Campuchia với gần 40 nghìn tấn, tương đương hơn 16 triệu USD, tăng gần 6% về lượng và tăng 1,6% kim ngạch so với cùng kỳ. Giá bình quân 408 USD/tấn, giảm 4,1%.

Malaysia là thị trường lớn thứ 3 của phân bón Việt Nam với gần 15 nghìn tấn, tương đương hơn 5,5 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 33% về kim ngạch. Giá bình quân 370 USD/tấn, tăng 17%.
Đáng chú ý, Lào đang tăng mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam trong tháng 1/2025 với mức tăng trưởng dẫn đầu trong số các thị trường. Cụ thể, nước ta đã xuất sang láng giềng 4.260 tấn phân bón với trị giá 1,26 triệu USD, tăng mạnh 237% về lượng và tăng 246% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân tăng nhẹ 10%, đạt 297 USD/tấn.
Trước đó trong năm 2024, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đã ghi nhận một bước phát triển vượt bậc khi mang về hơn 700 triệu USD. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ngày càng gia tăng.
Dự báo trong năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam sẽ đạt trạng thái cân đối cung – cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 – 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 – 10,5 triệu tấn.
Giá phân bón trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ khoảng 3 – 5%, có khả năng tác động lên mức giá trong nước, đặc biệt tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá phân bón là giá nguyên liệu đầu vào bao gồm giá khí tự nhiên, lưu huỳnh, và amoniac – các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón được dự báo biến động theo xu hướng thị trường năng lượng toàn cầu. Nếu giá năng lượng tăng, chi phí sản xuất phân bón cũng sẽ tăng, tác động trực tiếp đến giá bán lẻ.
Từ 1/7/2025, mặt hàng phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước như: Hoàn thuế nguyên liệu đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, nới rộng biên lợi nhuận gộp, góp phần tăng trưởng lợi nhuận; mức thuế 5% có thể làm giảm sự cạnh tranh về giá thành giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.