Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt 4,66 tỷ USD về trị giá, tăng mạnh 22,2% so với tháng liền trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã mang về 12,36 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhóm hàng này của Việt Nam. Kết thúc quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác sang Mỹ đạt 5,26 tỷ USD, tăng 24,96%.
Đây cũng là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 trong tất cả các mặt hàng được xuất sang Mỹ, chiếm 16,7% tỷ trọng. Tính riêng tháng 3/2025 với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang Mỹ đạt hơn 1,96 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc với kim ngạch đạt hơn 777 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm. Vị trí thứ 3 thuộc về Hàn Quốc khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 718 triệu USD, giảm nhẹ 4,1% so với quý I/2024.

Đáng chú ý, Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức tăng mạnh nhất với kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 mang về hơn 660 triệu USD, tăng 207,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Giai đoạn 2020–2024, Việt Nam ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng vượt trội nhất khu vực ASEAN về xuất khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng này đã lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD vào năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt trên 52,19 tỷ USD, tăng 21,02% so với năm 2023. Còn nhập khẩu nhóm hàng này cũng tăng mạnh 17,59%, đạt gần 48,89 tỷ USD.
Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, khi chiếm tới 12,87% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong năm 2024. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt hơn 22,05 tỷ USD, tăng mạnh 21,16% so với năm 2023. Riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 42,25% tổng giá trị xuất khẩu của toàn bộ nhóm hàng máy móc, thiết bị – cho thấy đây là thị trường chiến lược và có sức tiêu thụ cao đối với sản phẩm công nghiệp chế tạo của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù Mỹ đã hoãn việc áp dụng mức thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày, tuy nhiên mức thuế bổ sung 10% vẫn đang được duy trì. Đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đang được áp thuế Tối huệ quốc (MFN). Mức thuế này có sự biến động tùy thuộc vào từng loại sản phẩm cụ thể, nhưng nhìn chung, mức thuế sẽ dao động khoảng 2% – 3%.