
Cá rô phi phi lê được thị trường thế giới ưa chuộng.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil thông tin, ngày 24/4/2025, Công báo của Brazil đã đăng tải thông báo của Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil về việc chính thức thu hồi lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil đã thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu cá Việt Nam để đánh giá lại quy trình kiểm dịch y tế hiện hành trước nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm vi-rút TiLV (Tilapia tilapinevirus) – một căn bệnh truyền nhiễm và dễ lây lan ở cá – bên cạnh các hoạt động công nghiệp được cho rằng “không tuân thủ các tiêu chuẩn y tế của Brazil”.
Ngay sau quyết định tái nhập cá rô phi từ Việt Nam, trong một tuyên bố, Hiệp hội Công nghiệp Cá Brazil (Abipesca) bày tỏ lo ngại cho ngành cá rô phi của nước này, vốn đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh không lành mạnh từ các thị trường có điều kiện khác biệt so với Brazil.
Tuy nhiên, Chính phủ Brazil cho biết việc cho phép nhập khẩu cá rô phi là một quyết định “không thể đảo ngược”. Đây cũng là một phần trong các cuộc đàm phán của Chính phủ nước này vào cuối tháng 3 nhằm mở cửa thị trường thịt bò Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil cho biết thông báo dỡ lệnh đình chỉ nhập khẩu này “không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cao về phòng vệ sức khỏe quốc gia”.
Trước đó, từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, chính phủ nước này đã cấp 22 giấy phép nhập khẩu phi lê cá rô phi từ Việt Nam và từ chối hai giấy phép khác. Chỉ có một chuyến hàng được thông quan vào tháng 12/2023.
Cá rô phi là một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng trên thế giới. Theo chuyên trang y tế Mỹ Heathline, cá rô phi có nguồn protein dồi dào, hơn cả cá hồi. Trong 100 gram cá rô phi chứa 26 gram protein trong khi cá hồi nuôi chỉ có 22 gram protein và cá hồi tự nhiên có 25 gram protein.
Ngoài ra, loại cá này còn giàu niacin, vitamin B12, phốt pho, selen và kali.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cá rô phi đang nổi lên như đối tượng nuôi chiến lược bên cạnh tôm và cá tra. Hiện cả nước có 30.000 ha nuôi cá rô phi, sản lượng 300.000 tấn; mục tiêu đến 2030 đạt 40.000 ha, 400.000 tấn.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 41 triệu USD cá rô phi, tăng 138% so với năm 2023. Trong đó, cá điêu hồng (red tilapia) đạt 13 triệu USD, tăng 20%, còn cá rô phi (black tilapia) đạt 28 triệu USD, tăng ấn tượng 348%. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thị lớn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 19 triệu USD, tăng 572%.
Quý I/2025, xuất khẩu cá rô phi tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Mỹ chiếm 46% tỷ trọng với hơn 6 triệu USD, tiếp theo là Nga (1,8 triệu USD) và Bỉ (700 nghìn USD). Các thị trường như Trung Đông, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt gần 2 triệu USD (tăng 60%) và 992 nghìn USD (tăng gấp đôi)…