Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2025 tăng trưởng khả quan nhờ nguồn cung trong nước dồi dào khi Việt Nam vào vụ thu hoạch. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 2/2025 đạt 169.800 tấn, trị giá 964,3 triệu USD, tăng mạnh mạnh 26,7% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với tháng 1/2025; so với tháng 2/2024 tăng 6,9% về lượng và tăng 82,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt 309.500 tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, giảm 22,0% về lượng nhưng tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 5.561 USD/tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Tháng 2/2025, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga… đều tăng mạnh về lượng so với tháng 2/2024.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản tháng 2/2025 đạt 11.000 tấn, trị giá 67,9 triệu USD, tăng 57,4% về lượng và tăng 145,6% về trị giá so với tháng 2/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản đạt 20.700 tấn, trị giá 127,6 triệu USD, giảm 11,5% về lượng, nhưng tăng 56,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Tháng 2/2025, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6.175 USD/tấn, tăng 56,1% so với tháng 2/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, giá xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt bình quân 6.163 USD/tấn, tăng mạnh 76,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Nhật Bản chỉ chiếm 7,4% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng qua. Tuy nhiên, Việt Nam lại là nguồn cung cà phê lớn thứ hai vào quốc gia này, chỉ sau Brazil.
Theo Renub, tiêu thụ cà phê tại Nhật Bản đạt 5,43 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 0,47% trong giai đoạn 2025-2033, ước đạt 5,66 tỷ USD vào năm 2033.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, văn hóa sử dụng cà phê từ châu Âu gần đây đã ảnh hưởng tích cực đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với cà phê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng cà phê hòa tan tại các quán cà phê đặc biệt và các cửa hàng cà phê có thương hiệu mà còn khuyến khích họ tự pha chế cà phê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại cà phê hòa tan tăng.
Đặc biệt, khoảng cách địa lý gần gũi mang đến cho Việt Nam và cà phê Robusta lợi thế tại thị trường Nhật Bản, bởi vận chuyển từ Việt Nam hoặc các nhà sản xuất khác trong khu vực chỉ bằng một nửa quãng đường so với nguồn cà phê Arabica từ Mỹ Latin. Và trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam có nguồn cung lớn nhất, ổn định hơn so với Indonesia.
Giá cà phê liên tục phi mã trong những tháng gần đây, các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Chính phủ của Tổng thống Trump chưa tăng thuế đối với cà phê từ châu Mỹ, nhưng những lo ngại về việc Hoa Kỳ sẽ tăng thuế đang khiến các thương nhân tại quốc gia này gia tăng nhập khẩu cà phê để chạy trước thuế. Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ (NCA) nhận định, nếu Hoa Kỳ đánh thuế cao lên cà phê Brazil và cà phê từ các nước Bắc Mỹ, giá cà phê ở thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng vọt.
Phần lớn các phân tích đưa ra nhận định rằng giá cà phê tăng cao là do khối lượng xuất khẩu đều giảm từ hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Giá cà phê Arabica xuất khẩu của Brazil hiện đã lên mức 8.600-8.800 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay.