spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngMột ngành hàng bội thu trăm tỷ USD trong năm 2024, đứng...

Một ngành hàng bội thu trăm tỷ USD trong năm 2024, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: Đừng để Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp-gia công

Ngành điện tử đã có một năm bội thu, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2024.
Một ngành hàng bội thu trăm tỷ USD trong năm 2024, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: Đừng để Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp-gia công- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay: “ Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện thế giới, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử”.

Trên thực tế, ngành điện tử đã có một năm bội thu khi mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 134,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD) trong năm 2024.

Cụ thể, nhóm hàng Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thu về tới 72,6 tỷ USD , tăng mạnh 26,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là nhóm mặt hàng mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất trong năm 2024 cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng lên tới 17,9% trong tổng trị giá xuất khẩu.

Tiếp sau đó là nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện, đạt 53,9 tỷ USD , tăng 2,9% so với năm 2023. Về nhóm hàng Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, Việt Nam cũng bỏ túi hơn 8 tỷ USD , tăng 5,3% . Bên cạnh đó, nhóm hàng Máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác cũng thu về tới 52,2 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Một ngành hàng bội thu trăm tỷ USD trong năm 2024, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: Đừng để Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp-gia công- Ảnh 2.

Về nhóm hàng máy vi tính, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng.

Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm.

Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Trong khi đó, với ngành điện thoại và linh kiện, ngày càng nhiều các ông lớn trên thế giới tăng cường đầu tư vào nước ta, trong đó phải kể đến 2 gã khổng lồ là Apple và Samsung.

Apple đã công bố kế hoạch tăng đầu tư trị giá gần 400 nghìn tỷ đồng vào Việt Nam kể từ năm 2019. Khoản đầu tư này không chỉ thúc đẩy chuỗi cung ứng địa phương, mà còn hỗ trợ các dự án năng lượng sạch và cung cấp nước sạch cho các trường học trên toàn quốc. Theo trang DigiTimes, Việt Nam có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Đối với Samsung, ông lớn này hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM có tổng vốn hơn 22 tỷ USD. Điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của hãng trên toàn cầu.

Ba đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng liên tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất điện tử.

Foxconn với khoản đầu tư nửa tỷ USD sẽ đi vào sản xuất, kinh doanh chính thức từ tháng 5/2027, hay nhà máy thứ ba tại Việt Nam của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD dự kiến được đầu tư tại Hải Phòng giai đoạn 2025 – 2026…

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành điện tử là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng năm qua, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại sang châu Âu – châu Mỹ đạt 56,9 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một ngành hàng bội thu trăm tỷ USD trong năm 2024, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: Đừng để Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp-gia công- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: T.Anh)

“Việt Nam đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị xuất khẩu đó hay đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra thì thiết kế, vải, lụa, chỉ, cúc đều của người khác thì thu nhập là bao nhiêu trên những sản phẩm này, có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và ô nhiễm môi trường. Số liệu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình nhưng tôi tự hỏi đây có phải là sự ngộ nhận, hoặc tự huyễn, hoặc tự ru mình hay không ”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay.

Trong ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại, linh kiện nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 đến nay. Tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cung ứng cấp 1 thì có đến 55 là doanh nghiệp nước ngoài, tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp 1 thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải. Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế.

Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng. Song thực tế, sự đóng góp của doanh nghiệp FDI đối với nâng cao tiến bộ của khoa học, công nghệ nội địa còn thấp. Trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu và khoảng 5% sử dụng công nghệ cao.

Do đó, theo Tổng Bí thư, “ thời gian tới, Việt Nam phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, đừng để trở thành cứ điểm lắp ráp, gia công, bãi rác của công nghệ thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được điều gì ”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật