spot_img
29.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngMỹ giảm thuế xuống 20%, đã chi hơn 4 tỷ USD nhập...

Mỹ giảm thuế xuống 20%, đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu cho ngành hàng 'hái ra tiền' này của Việt Nam

Mức thuế đối ứng 20% của Mỹ là tín hiệu tích cực, góp phần giảm áp lực cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Việt Nam sở hữu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị hàng tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2025 của Việt Nam đạt 1,35 tỷ USD, tăng 6,3% so với tháng 6/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong đó, Mỹ tiếp tục duy trì vị trí thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 55,9% tổng trị giá xuất khẩu.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1 tỷ USD, tăng 27,1%; Trung Quốc đạt 875,9 triệu USD, giảm 16,8%.

Mỹ giảm thuế xuống 20%, đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu cho ngành hàng 'hái ra tiền' này của Việt Nam- Ảnh 1.

Đáng chú ý, sau khi dự kiến áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và tạm hoãn trong thời gian 90 ngày, Hoa Kỳ mới đây đã thông báo sẽ điều chỉnh giảm mức thuế xuống còn 20%. Động thái này được đánh giá là tín hiệu tích cực, góp phần giảm áp lực cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có ngành gỗ.

Mức thuế 20% thuộc ngưỡng trung bình trong khung thuế quốc tế (10–20%) và thấp hơn đáng kể so với mức áp với Trung Quốc (10–30% tùy mặt hàng). Ngoài ra, nhiều nguồn cung cạnh tranh khác tại thị trường Hoa Kỳ đang chịu mức thuế cao hơn như: Thái Lan là 36%, Malaysia là 25% và Indonesia là 32%. Việc giảm thuế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc duy trì thị phần tại thị trường Hoa Kỳ, mà còn mở ra cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực đang chịu mức thuế cao hơn.

Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ không có chứng nhận rõ ràng về nguồn gốc sẽ có nguy cơ bị xem là hàng “trung chuyển” và chịu mức thuế là 40%. Do đó, việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và đạt các chứng nhận quốc tế như FSC (Forest Stewardship Council) là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính hợp pháp và tránh bị áp thuế cao.

Dù động thái thuế quan mới của Hoa Kỳ mang lại tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh chi phí xuất khẩu gia tăng và các quy định về xuất xứ ngày càng chặt chẽ, ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng nhập khẩu ưu đãi (theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP). Trong đó, đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%, được xem là giải pháp góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế cao hơn.

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 18 tỷ USD trong năm 2025 và tới năm 2030 sẽ đạt 25 tỷ USD. Đặc biệt, đến năm 2030, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật