Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3 đạt hơn 477 triệu USD, tăng mạnh 52,1% so với tháng trước đó. Lũy kế trong quý 1 nước ta đã thu về hơn 1,16 tỷ USD từ xuất khẩu hàng rau quả, tuy nhiên giảm 9,2% so với năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của hàng rau quả Việt Nam với hơn 521 triệu USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng nằm ở thị trường Mỹ khi xuất khẩu hàng rau quả thu về hơn 111 triệu USD, tăng mạnh 66% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD, tức cán cân thương mại đang nghiêng về Mỹ. Trạng thái xuất siêu tiếp tục duy trì trong quý 1 khi Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ hơn 160 triệu USD.

Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 của rau quả Việt Nam với gần 15 triệu USD trong quý 1.
Dữ liệu của USITC ghi nhận, thị phần rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ thế giới tăng 0,81% trong 11 tháng năm 2023 lên 1,0% trong 11 tháng năm 2024.
Về tình hình sụt giảm chung của ngành rau quả, nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu của Trung Quốc suy giảm do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành rau quả. Thêm vào đó, gián đoạn logistics và chi phí vận chuyển tăng cao cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khó hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn. Đơn cử như sầu riêng, ngay từ đầu năm, Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam) đã áp dụng quy định kiểm dịch vàng O, ngoài giấy kiểm định Cadimi như trước đây.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng rau quả tươi của Việt Nam rất lớn, nhưng tỷ lệ chế biến sâu vẫn còn thấp. Đây là một trong những yếu tố hạn chế việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, nơi nhu cầu về sản phẩm chế biến rất cao.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2025 có thể đạt 8 tỷ USD và tiến đến mốc 10 tỷ USD vào năm 2027 hoàn toàn có thể đạt được, bởi xuất khẩu ngành này còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng và đạt được các mục tiêu đề ra, chất lượng sản phẩm và việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt.
Như Quỳnh