Theo SCMP, Trung Quốc vừa đạt được một bước đột phá quan trọng trong công tác thăm dò khoáng sản trên cao nguyên Tây Tạng, mở ra tiềm năng biến khu vực này thành một cơ sở cung ứng đồng tầm cỡ thế giới.
Theo thông tin từ Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc công bố hôm 6/1, hơn 20 triệu tấn tài nguyên đồng mới đã được phát hiện trên cao nguyên Tây Tạng. Con số này bổ sung vào 53 triệu tấn trữ lượng đồng đã được chứng minh tại khu vực cao nguyên tính đến năm 2021, chiếm hơn một nửa tổng trữ lượng đồng của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu ước tính tiềm năng đồng trên cao nguyên Tây Tạng có thể lên tới 150 triệu tấn, tập trung tại bốn khu vực chính gồm: Yulong, Duolong, Jiulong-Jiama, và Xiongcun-Zhuno.
Được biết đến như “cơ sở dự trữ tài nguyên chiến lược quan trọng nhất” của Trung Quốc, cao nguyên Tây Tạng giàu có với nhiều khoáng sản thiết yếu như đồng, crôm, coban, chì và kẽm. Theo trang web của Chương trình Nghiên cứu và Thám hiểm Khoa học Cao nguyên Tây Tạng, các khoáng sản này chiếm từ 30% đến 90% tổng trữ lượng của quốc gia trong từng loại.
Nhu cầu sử dụng đồng của Trung Quốc đang rất lớn. Dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho thấy, trong năm 2023, tiêu thụ đồng tinh chế toàn cầu đạt 27,01 triệu tấn, trong đó Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa, củng cố vị thế quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Bốn lĩnh vực chủ chốt thúc đẩy nhu cầu đồng tại Trung Quốc bao gồm điện lực, thiết bị gia dụng, giao thông vận tải và xây dựng chiếm tới 79% tổng lượng đồng sử dụng của quốc gia này trong năm 2023.
Theo GlobalData, Trung Quốc là quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 4 thế giới vào năm 2023. Sự khám phá tiềm năng tài nguyên trên cao nguyên Tây Tạng được kỳ vọng không chỉ giúp Trung Quốc tăng cường nguồn cung đồng nội địa mà còn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, trong bối cảnh nhu cầu đồng toàn cầu ngày càng tăng cao.
Tại Việt Nam, nước ta có trữ lượng đồng đạt khoảng 1,874 triệu tấn, trong đó có 411 nghìn tấn là cấp trữ lượng, còn lại là cấp tài nguyên và tài nguyên dự báo. Các khu vực tập trung trữ lượng lớn nhất tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La.
Riêng tại Lào Cai, trữ lượng đạt 845 nghìn tấn, chiếm gần một nửa tổng trữ lượng cả nước. Đồng thời, khu vực này cũng có mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng quặng đạt hơn 53 triệu tấn, là mỏ khai thác đồng lớn nhất Việt Nam. Công suất hàng năm đạt từ 1,1-1,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.