spot_img
34 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngNhững doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui

Những doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui

Tại Việt Nam, những năm gần đây, cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều vụ sữa giả do những doanh nghiệp làm ăn bất chính sản xuất, kinh doanh.

2 doanh nghiệp sản xuất gần 600 loại sữa giả

Vụ việc chấn động dư luận gần đây nhất là 2 doanh nghiệp liên quan đến đường dây làm gần 600 nhãn hiệu sữa giả. Đó là Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Đến thời điểm bị phát hiện vào ngày 11/4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, từ 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng.

Thành phần sữa được các doanh nghiệp công bố là: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác.

Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố – đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Dữ liệu từ hệ thống quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma được thành lập vào tháng 8/2021, có trụ sở chính tại khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập của doanh nghiệp là 10 tỷ đồng. Tháng 1/2024, công ty này tăng vốn lên 22 tỷ đồng. Tiếp đó, đến tháng 6/2024, doanh nghiệp này tăng vốn lên 52 tỷ đồng.

Cổ đông sáng lập gồm 3 cá nhân. Trong đó, Vũ Mạnh Cường góp 7 tỷ đồng; Hoàng Thị Bích Hường góp 500 triệu đồng; Hoàng Mạnh Hà góp 2,5 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là Hoàng Mạnh Hà (sinh năm 1979).

Tuy nhiên, đến tháng 8/2024, người đại diện pháp luật kiêm giám đốc của doanh nghiệp này đã được chuyển sang cho Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1987).

Cơ quan điều tra xác định ông Luân là cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, đồng thời tiến hành khởi tố, bắt giam cùng các bị can khác.

Còn Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group được thành lập vào tháng 4/2022 và đặt trụ sở tại Khu đô thị Văn Phú Invest, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu ví dụ như sản xuất súp, đồ ăn dinh dưỡng, sữa, các thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ nhỏ, thực phẩm có chứa thành phần hoóc môn, gia vị, nước chấm…

Những doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui- Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất sữa do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà điều hành. (Ảnh: Tiền phong).

Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập của doanh nghiệp là 10 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 3 người, bao gồm Vũ Mạnh Cường góp 6,5 tỉ đồng (65% vốn); Nguyễn Thành Luân 1 tỉ đồng; còn lại do Hoàng Mạnh Hà góp.

Người đại diện pháp luật kiêm chủ tịch hội đồng quản trị ban đầu là Vũ Mạnh Cường. Đến tháng 10/2024, vị trí người đại diện pháp luật được ông Cường chuyển sang cho ông Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1981) – giám đốc công ty.

Đáng chú ý, ông Tú còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược quốc tế Win CT.

Tra cứu lại lịch sử dữ liệu của Dược quốc tế Win CT, Vũ Mạnh Cường – người vừa bị bắt trong đường dây sản xuất sữa giả đề cập trên – cũng là cổ đông góp tới 38% vốn của doanh nghiệp này.

Không tăng vốn dồn dập như Rance Pharma, Hacofood Group từ khi thành lập đến đầu năm nay chỉ tăng vốn một lần, từ 10 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty, mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để sản xuất sữa giả.

Những doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui- Ảnh 2.

Những sản phẩm sữa giả bị phanh phui. (Ảnh: VTV).

Các doanh nghiệp này sẽ đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm), trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma.

Công ty cổ phần sữa Hà Lan

Trước đó, hồi năm 2022, Công ty cổ phần sữa Hà Lan (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cũng bị phát hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với công bố. Công ty này do Nguyễn Trung Vương làm Tổng giám đốc.

Những doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui- Ảnh 3.

Một số sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng của Công ty cổ phần sữa Hà Lan bị cơ quan chức năng thu giữ.

Cơ quan điều tra cáo buộc ông Vương sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn; sản phẩm không có tính năng, công dụng như hồ sơ công bố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng đa số được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk của công ty đóng tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh (Hải Dương) nhưng không lưu mẫu sản phẩm, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ.

Giám định 67 lô thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có hàng được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk, công an phát hiện 66 lô có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%. Tổng cộng 29.400 lon, giá trị 4,1 tỷ đồng.

Sản phẩm bán qua nhiều kênh, chủ yếu thông qua tổ chức công đoàn, hội thảo giới thiệu sản phẩm và mạng xã hội.

Nguyễn Trung Vương đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên từ khâu sản xuất đến lưu thông sản phẩm như mua nguyên liệu, xây dựng quy trình, nhận đơn đặt hàng, lựa chọn sản phẩm, số lượng, đơn giá, thời gian giao hàng…

Vương cũng tự đưa ra công thức phối trộn, thay đổi thành phần, thêm bớt tỷ lệ nguyên liệu so với hồ sơ công bố và chỉ đạo nhân viên thực hiện.

4 cơ sở sản xuất sữa giả tại Bình Dương

Tháng 1/2024, lực lượng liên ngành 2 tỉnh Bình Dương và TP.HCM phối hợp kiểm tra và bắt giữ 8 nghi phạm cấu kết mở 4 nhà xưởng tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để làm sữa bột giả các thương hiệu sữa nổi tiếng trên thế giới.

Những doanh nghiệp sản xuất sữa giả từng bị phanh phui- Ảnh 4.

Những hộp đựng sữa giả được phát hiện.

Tại 4 địa điểm, lực lượng phát hiện hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng; 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa, cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ước tính giá trị tang vật bị thu giữ lên đến 14,5 tỷ đồng.

Nhóm này đã thuê một nhà xưởng ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thành phố Dĩ An và công nhân để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng. Được biết, các thương hiệu này chủ yếu là nhập khẩu từ Australia, New Zealand và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam.

Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, nhóm này đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, trong vòng khoảng 1 tháng nhóm này sẽ đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng.

Hoạt động sản xuất, buôn bán sữa bột giả của các cơ sở sản xuất này bắt đầu từ ngày 24/11/2023 đến tháng 1/2024 và đã hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn bộ hàng hóa đều được bán trên thương mại điện tử.

Đây là những sản phẩm chủ yếu sử dụng cho người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh tiểu đường. Để tạo niềm tin cho khách hàng, cơ sở của nhóm này sẵn sàng cho khách hàng đồng kiểm bằng cách quét mã QR code trực tiếp trên các lon sữa khi nhận được, bởi khi khách hàng quét mã này sản phẩm vẫn trả ra kết quả ra là hàng chính hãng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật