spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngTăng tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt

Tăng tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt

Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt đang mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam bứt tốc, chiếm lĩnh thị trường tỷ dân này.

“Miền đất hứa” cho nông sản Việt Nam

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc vào tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường này.

Việc ký kết các Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này.

Theo thống kê mới nhất, trong 9 tháng của năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 148,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD. 

Đáng chú ý, riêng mặt hàng rau quả, 9 tháng Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Từ khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Tăng tốc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt- Ảnh 1.

Chuyển vải thiều Lục Ngạn đầu tiên xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt sang Trung Quốc.

Nhận định về thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, thị trường tỷ dân này vẫn là “miền đất hứa” cho nông sản Việt Nam. Không chỉ thuận tiện về giao thông mà thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc khá gần gũi với người Việt Nam. 

“Nước ta có hơn 1.450 km đường biên giới gồm đường thủy, đường bộ với Trung Quốc nên có lợi thế về chi phí logistics thấp – yếu tố cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ khác. Điều này chính là lợi thế rất lớn để doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường bậc nhất thế giới này”, ông Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết thêm, Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quan trọng số 1 của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại xuất qua kênh buôn bán biên giới tiểu ngạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào; cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên.

Tăng tốc bằng đường sắt

Tại kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc, diễn ra ngày 29/9/2024, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số – phát triển xanh đã được hai bên thống nhất; đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện; hợp tác khu công nghiệp; tiếp tục đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng…

Trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu đưa hàng sang Trung quốc bằng vận tải đường bộ. Chỉ mới đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển sang phương thức vận tải mới đó là đường sắt. Mới đây, tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần (Bình Dương) – ga hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam, lô hàng dừa tươi đầu tiên gần 68 tấn có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang với trị giá hàng hóa khoảng 220.000 Nhân dân tệ đã khởi hành đi Quảng Châu (Trung Quốc). Dự kiến, chỉ trong 7 ngày, lô hàng dừa tươi này được vận chuyển đến nơi.

Nhiều chuyên gia đánh giá, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương thức vận chuyển hiệu quả cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua thị trường Trung Quốc. Ưu điểm của phương thức vận chuyển này chính là khả năng phân phối nông sản đến các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường khác như Mông Cổ, Kazakhstan, Nga. 

Quan trọng hơn, vận chuyển nông sản bằng đường sắt có chi phí hợp lý hơn, về thời gian có tính ổn định cao, giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. “Những yếu tố thuận lợi, lợi thế của đường sắt sẽ mở ra cơ hội lớn để hàng nông sản Việt nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc”, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trong đó, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với phía Trung Quốc để tối ưu hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp quá trình giao nhận hàng hóa bằng đường sắt trở nên thuận lợi hơn.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật