Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 126 nghìn tấn với trị giá hơn 56 triệu USD, giảm gần 42% về cả lượng lẫn kim ngạch so với tháng 3. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta đã chi hơn 318 triệu USD để nhập khẩu hơn 703 nghìn tấn, giảm 7,8% về lượng và giảm đến 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, Mỹ hiện nay là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam với hơn 414 nghìn tấn, trị giá hơn 186 triệu USD, tăng mạnh 47% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý giá cũng giảm mạnh so với 4T/2024, đạt 451 USD/tấn, tương ứng mức giảm 19%. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương từ Mỹ vào nước ta đã được giảm từ 1%, 2% xuống 0%.

Đứng thứ 2 là Brazil với hơn 200 nghìn tấn đậu tương, trị giá hơn 88 triệu USD, giảm mạnh 51% về lượng và giảm 58% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá giảm 14%, đạt bình quân 440 USD/tấn.
Canada là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 58 nghìn tấn, trị giá hơn 29 triệu USD, tăng 71% về lượng và tăng 37% về trị giá. Giá giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 501 USD/tấn.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2024, diện tích trồng đậu tương của Việt Nam ở mức 20.000 hecta, trong đó, gần 88% ở các tỉnh phía bắc, còn lại 12% ở các tỉnh phía Nam. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5-2 triệu tấn đậu tương.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay. Năm 2024, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 2,22 triệu tấn đậu tương với giá trị gần 1,13 tỷ USD, tăng hơn 19% về lượng, nhưng giảm 3,6% kim ngạch và giảm 19% về giá so với năm 2023.
Trên thị trường thế giới, Trung Quốc đã đóng băng các đơn hàng mua đậu nành và ngô của Mỹ kể từ giữa tháng 1. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy kể từ ngày 16/1, tức vài ngày trước khi ông Trump nhậm chức, các công ty Trung Quốc không thực hiện thêm bất kỳ đơn đặt hàng nào đối với đậu nành và ngô của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024, ông Trump đã cam kết áp thuế 60% đối với tất cả các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Cho đến tháng 4 năm nay, chính quyền ông Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 2,4 triệu tấn đậu tương Brazil đầu tháng 4, tương đương khoảng 1/3 lượng tiêu thụ đậu tương hàng tháng của Trung Quốc. Theo các nguồn tin, Nhật Bản có thể mua thêm ngô và thậm chí là đậu tương của Mỹ như một phần của các cuộc đàm phán thương mại. Nhật Bản là nước nhập khẩu ngô lớn thứ hai và đậu nành lớn thứ năm của Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng đậu tương toàn cầu năm 2024/25 tăng 6,9 triệu tấn lên 428,7 triệu tấn do sản lượng tăng ở Mỹ, Ukraine, Nga, Ấn Độ và Benin.