spot_img
24.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị Trường“Thương chiến” cửa hàng tiện lợi: 7-Eleven và Ministop bứt phá, GS25...

“Thương chiến” cửa hàng tiện lợi: 7-Eleven và Ministop bứt phá, GS25 chững lại sau “Bắc tiến” trong khi FamilyMart đóng cửa 20 điểm bán

Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa rõ nét khi 7-Eleven và Ministop tăng tốc, trong khi GS25 và FamilyMart chững lại. Cuộc đua mở rộng đang dịch chuyển khỏi đô thị lớn, mở ra thế trận cạnh tranh mới giữa các ông lớn trong ngành.

Thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ. Trong khi một số thương hiệu như 7-Eleven và Ministop đang bứt phá ngoạn mục, thì những cái tên từng được kỳ vọng như GS25 và FamilyMart lại có dấu hiệu chững lại hoặc suy giảm. Mặt khác, Circle K – chuỗi có độ phủ lớn nhất – giữ được thế ổn định nhưng không còn là động lực tăng trưởng như trước.

Theo Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại (Modern Trade) do Q&Me công bố, tổng số cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini trên toàn quốc đạt 7.806 điểm bán vào năm 2025, tăng nhẹ so với con số 7.362 của năm 2024. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không diễn ra đồng đều giữa các chuỗi, mà phản ánh rõ sự phân hóa về chiến lược và năng lực cạnh tranh.

Cuộc đua tái định hình thế trận giữa các ông lớn

Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng là 7-Eleven, khi chuỗi này tăng từ 99 lên 130 cửa hàng chỉ trong vòng một năm. Dù phần lớn điểm bán vẫn tập trung tại TP.HCM, tốc độ mở rộng của 7-Eleven cho thấy tham vọng rõ rệt trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, đầu năm 2025, 7-Eleven đã gây chú ý khi rục rịch tuyển dụng nhân viên ở khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có cửa hàng của của chuỗi này khai trương ở Thủ đô. Nhưng việc lên kế hoạch mở rộng ra Hà Nội đã khẳng định quyết tâm của thương hiệu trong cuộc đua dài hơi.

Cùng sự đi lên với 7-Eleven, Ministop cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với số lượng cửa hàng tăng từ 187 lên 197. Khác với sự tăng tốc mạnh mẽ của 7-Eleven, Ministop theo đuổi chiến lược phát triển đều đặn, tập trung vào sự ổn định và kiểm soát chất lượng vận hành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Trong khi đó, GS25 – thương hiệu từng có tốc độ mở rộng mạnh mẽ – lại không ghi nhận sự gia tăng điểm bán nào trong năm 2025, dừng ở con số 236 cửa hàng. Tuy vậy, chuỗi đến từ Hàn Quốc này đã có một bước đi đáng chú ý khi chính thức “Bắc tiến”, khai trương cùng lúc 6 cửa hàng tại Hà Nội. Đây là nỗ lực nhằm phá thế độc quyền trong phân khúc cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Thủ đô, vốn trước đó gần như chỉ có Circle K hiện diện.

“Thương chiến” cửa hàng tiện lợi: 7-Eleven và Ministop bứt phá, GS25 chững lại sau “Bắc tiến” trong khi FamilyMart đóng cửa 20 điểm bán- Ảnh 1.

Dù vậy, sự chững lại của GS25 cũng phản ánh những thách thức không nhỏ. Chuyên gia trong ngành đánh giá, mô hình cửa hàng rộng, đầu tư lớn về không gian và trải nghiệm khiến chi phí vận hành cao, trong khi tính khác biệt về sản phẩm hoặc dịch vụ chưa đủ rõ nét để tạo lợi thế cạnh tranh. Thêm vào đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến giá cả và tiện lợi nhanh – những yếu tố GS25 chưa tối ưu so với các đối thủ đang theo đuổi mô hình tinh gọn hơn như 7-Eleven hay Ministop.

Nếu GS25 chững lại, FamilyMart còn ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, từ 160 xuống còn 140 cửa hàng. Trong bối cảnh toàn ngành có xu hướng mở rộng, mức lùi này là một dấu hiệu cảnh báo.

Nguyên nhân có thể đến từ việc chậm thích ứng với nhu cầu thị trường: mô hình kinh doanh không có nhiều đổi mới, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng chưa bắt kịp xu hướng, trong khi việc ứng dụng công nghệ – từ app đặt hàng, thanh toán đến chương trình khách hàng thân thiết – cũng kém cạnh tranh. Định vị thương hiệu thiếu rõ ràng càng khiến FamilyMart khó giữ chân người tiêu dùng trong môi trường bán lẻ đang thay đổi nhanh chóng.

Dù không tăng trưởng về số lượng điểm bán nhưng với 499 cửa hàng, Circle K vẫn là chuỗi có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam. Khác với giai đoạn mở rộng trước đây, năm 2025 thương hiệu này không ghi nhận thêm điểm bán mới.

Sự ổn định của Circle K phần nào cho thấy thị trường tại TP.HCM và Hà Nội – nơi hãng tập trung hoạt động – đang có dấu hiệu bão hòa. Đồng thời, việc GS25 hiện diện tại Hà Nội và khả năng 7-Eleven sẽ sớm gia nhập khiến áp lực cạnh tranh tại đây ngày càng gia tăng.

Báo cáo từ Q&Me cũng cho biết, một xu hướng đáng chú ý là sự dịch chuyển khỏi các trung tâm đô thị. Nếu TP.HCM có 2.483 cửa hàng và Hà Nội là 1.382, thì các tỉnh thành khác trên cả nước đã ghi nhận tổng cộng 3.941 điểm bán – chiếm hơn 50% toàn ngành. Điều này cho thấy các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang tìm cách khai thác thị trường chưa bão hòa, tránh cạnh tranh trực diện tại các đô thị lớn vốn đã quá dày đặc.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật