Vải thiều, chôm chôm, thanh long, thậm chí cả những loại vốn luôn được xem là “cao giá” như măng cụt, bơ… nay cũng chỉ dao động ở mức vài chục ngàn một ký, rẻ chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.
Giá trái cây giảm mạnh, tha hồ mua!
Chị Cẩm Duyên (38 tuổi), một bà nội trợ quen thuộc của chợ Bà Chiểu, phường Gia Định, TP HCM, kể: “Ngày nào tôi cũng đi chợ nên nắm giá trái cây khá rõ. Dạo gần đây, giá giảm mạnh. Thật ra cũng mừng vì gia đình tôi ăn trái cây nhiều, nay rẻ thì tha hồ mua. Có khi mỗi ngày tôi xách cả 5-7 ký về để tủ lạnh ăn dần”.

Nho, trái vải các loại đang có giá rất rẻ
Ghi nhận tại các chợ như Bà Chiểu, Vườn Lài, hay chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy giá bán lẻ các loại trái cây đa phần đang ở mức rất thấp.
Vải, chôm chôm chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg, măng cụt loại nhỏ 30.000 đồng/kg, loại lớn hơn khoảng 40.000 đồng/kg. Cam xuống chỉ còn 6.000 – 10.000 đồng/kg tùy sạp. Thanh long và dưa hấu cũng chỉ loanh quanh 12.000 đồng/kg.
Riêng sầu riêng, sau một đợt lao dốc dữ dội còn 45.000 – 50.000 đồng/kg thì nay giá đã bật tăng trở lại, lên mức 90.000 – 100.000 đồng/kg. Nhiều người tranh thủ mua gom thời điểm giá rẻ đã xong, giờ đành ngậm ngùi nhìn giá nhích cao mà ngần ngại.
Vì sao giá trái cây giảm mạnh?
Ông Văn Chí, một tiểu thương bán trái cây lâu năm tại chợ Bà Chiểu, lý giải ngắn gọn mà trúng trọng tâm: “Năm nay vải, măng cụt, thanh long, thơm… rẻ như vậy vì bên Trung Quốc nhập ít, thành ra mới đổ đống bán ở trong nước giá rớt thảm như thế”.
Thực tế, Trung Quốc lâu nay vốn là thị trường lớn nhất nhập trái cây tươi từ Việt Nam. Việc thị trường này siết kiểm dịch hoặc chuyển hướng sang nhập từ nơi khác đã lập tức tạo áp lực dư cung, đẩy giá xuống đáy.
Điều này nghe qua thì người tiêu dùng nội địa hả hê vì được mua rẻ, ăn thỏa thích. Nhưng nếu nhìn từ phía nhà vườn thì đó lại là nỗi lo không nhỏ.
Theo chia sẻ của một số thương lái, giá trái cây sụt giảm mạnh, có loại chạm mức “thấp kỷ lục”. Dù vậy, họ cũng thẳng thắn cho biết sẽ không chiều khách tới mức bán lỗ: “Khách mà còn ép giá nữa thì tụi tôi thà không bán, vì bán ra lúc này chỉ đủ lỗ tiền phân thuốc, công hái”.