Đoàn VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng đã về nước vào ngày 6/11 vừa qua sau 29 ngày rong ruổi. Khách mời của số Trên Ghế 38 phát sóng ngày 9/11 là hai thành viên của đoàn bao gồm anh Chu Hữu Thọ – Trưởng đoàn và anh Bạch Thành Trung – Phụ trách truyền thông.
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và hai khách mời về chủ đề: Hành trình 29 ngày, hơn 10.000km và những điều đọng lại
Chúc mừng hai anh đã trở về Việt Nam một cách an toàn. Sau 29 ngày và hơn 10.000 km, điều gì đọng lại sâu đậm nhất trong các anh?
Chu Hữu Thọ: Đối với cá nhân mỗi người, chúng tôi vừa hoàn thành một hành trình lịch sử, có một không hai. Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội trải nghiệm thú vị đến như vậy. Tất nhiên có rất nhiều khó khăn nhưng những ấn tượng cũng rất nhiều.
Đầu tiên là cảnh sắc. Chúng tôi đã đi Trung Quốc một vài lần, nhưng hành trình này mang lại ấn tượng cực lớn về cảnh sắc. Không chỉ là mỗi ngày một cảnh sắc khác nhau, thậm chí cứ vài chục km, chúng tôi lại được trải nghiệm một cảnh sắc mới. Có những lúc, chúng tôi tưởng như đi trên sao hỏa, có những lúc chúng tôi lại thấy bồng bềnh như là ở tiên cảnh.
Vậy với anh Trung, cảm xúc đọng lại sâu đậm nhất với anh là gì?
Bạch Thành Trung: Đây là một chuyến đi dài, nhưng không phải về độ dài quãng đường. Như anh Thọ vừa nói, chúng tôi đi qua rất nhiều địa hình khác nhau, vừa đường đẹp, vừa đường xấu, có những đoạn cao tốc đi nhanh ở tốc độ 150-170km/h, cũng có những đoạn chỉ chạy được 15-20km/h. Chiếc xe nhờ đó cũng bộc lộ những ưu điểm và khuyết điểm.
Ở thời điểm hiện tại, tôi đang nghĩ phải làm thế nào để tinh chỉnh lại những khuyết điểm, sau đó chờ cơ hội đi lại cung đường đó để xem xe có tốt hơn nữa hay không.
Vậy cụ thể những ưu điểm và khuyết điểm đó là gì, thưa anh?
Bạch Thành Trung: Về ưu điểm, trên cả hành trình này tôi phải nhấn mạnh khả năng vận hành của VinFast VF 8 là tốt. Máy rất mạnh. Máy mạnh có rất nhiều ưu điểm, mọi người cứ nghĩ máy mạnh chả để làm gì nhưng thật ra rất quan trọng. Vượt rất an toàn, leo đèo, leo dốc tuyệt vời. Việc ôm cua khi mình đổ đèo rất tự tin, chắc tay. Chiếc xe mang lại cho mình một cảm giác cực kỳ yên tâm, cực kỳ an toàn, mình rất tin vào chiếc xe.
Một ưu điểm nữa mà rất nhiều người không để ý đến. Đó là khi đoàn đi lên đến độ cao lớn, xe máy xăng, máy dầu sẽ bị hụt hơi và yếu hẳn đi, do không khí loãng thiếu oxy nên động cơ không đốt cháy được toàn bộ nhiên liệu. Trong khi đó xe điện “lao ầm ầm, vượt cái nào là ăn cái đó”. Lúc này, xe dẫn đoàn là trở thành xe chốt đoàn vì không theo được VinFast VF 8.
Tôi cho rằng, VinFast nên tinh chỉnh VF 8 và ưu tiên hàng đầu là cần “giảm cân” cho xe. Nếu có cách nào đấy có thể làm giảm khối lượng của xe khoảng 400kg là tuyệt vời.
Vậy anh Thọ đánh giá thế nào về chiếc VinFast VF 8 của mình?
Chu Hữu Thọ: Chúng tôi phải trải qua hơn 10.000 km và đi trong nhiều điều kiện đường sá khác nhau, có những cung đường rất đẹp nhưng cũng có những cung đường rất xấu.
Nhiều đoạn ở Lào hay cung đường 109 có những điểm xấu không gọi là ổ trâu, ổ gà nữa mà là ổ voi. Nhưng chúng tôi cùng VinFast VF 8 đã vượt qua khá dễ dàng. Nói công tâm, đây không phải là xe để đi off-road, VF 8 không phù hợp với những cung đường khó như thế nhưng vẫn có thể chinh phục được.
Ngoài ra, tôi nhận thấy VF 8 rất phù hợp với cung đường này, mức tiêu hao năng lượng không quá nhiều như lo ngại ban đầu, thời tiết lạnh lại thích hợp đối với xe điện. Một yếu tố nữa là khi đi xe xăng, chúng tôi cần có giấy tờ tùy thân mới có thể mua được xăng. Nhưng với xe điện, chúng tôi có thể thoải mái cắm sạc mà không cần gì. Như vậy là rất thuận lợi.
Hành trình này ngoài hai anh còn có những người bạn, người vợ cùng đồng hành. Vậy một chiếc xe như VinFast VF 8 có đáp ứng được nhu cầu về độ thoải mái ở hàng ghế phụ hay hàng ghế sau hay không?
Chu Hữu Thọ: Thực ra, nếu ở đây có vợ tôi thì những chia sẻ sẽ chân thực hơn. Nhưng theo những gì tôi cảm nhận, VinFast VF 8 đáp ứng tốt. Vợ tôi vốn là người bị say xe, sau khi học lái thì đỡ hơn nhưng mỗi lần lên xe luôn phải ngồi ghế trước. Tuy nhiên, trong hành trình vừa qua, vợ tôi không gặp vấn đề gì quá lớn về sức khỏe do chiếc xe gây ra. Mỗi ngày, chúng tôi ngồi trên xe hơn 10 tiếng, đi qua hàng trăm km, nếu chiếc xe không tốt thì chắc chắn vợ tôi không thể hoàn thành hành trình này.
Thưa anh Trung, sau hành trình này những con số nào mà anh ấn tượng nhất?
Bạch Thành Trung: Tôi ấn tượng nhất là con số 5.230 mét. Đây có thể là đỉnh cao nhất mà cả đoàn đứng lại để check-in, chụp hình. Thậm chí, tại đây hướng dẫn viên du lịch thông báo toàn đoàn chỉ dừng lại 10 phút, vì dừng lâu quá sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do mức oxy trong không khí quá ít, có thể gây nguy hiểm cho con người.
Một con số nữa có thể nhiều người không có để ý chính là chuyện sạc pin. Ở bên Trung Quốc, hệ thống sạc cực kỳ lớn nhưng số lượng nhà cung cấp cũng rất nhiều. Vì thế, không phải chi phí sạc pin ở đâu cũng giống nhau.
Theo tôi theo dõi, giá mỗi số điện rẻ nhất khoảng 0,6 nhân dân tệ (2.112 đồng), đắt nhất khoảng 2,8 nhân dân tệ (gần 10.000 đồng). Thậm chí, dù trong cùng một thành phố nhưng trụ sạc này với trụ sạc khác cũng chênh lệch.
Ban đầu, chúng tôi không để ý nhưng sau đó phát hiện ra sự chênh lệch này. Sau khi ngồi tính toán lại, tổng số tiền sạc pin của mỗi xe trong hành trình này khoảng 4.000 tệ (14 triệu đồng).
Con số thứ hai là chi phí sạc. Theo tính toán của tôi, tổng số tiền sạc pin trong hành trình mỗi xe hết khoảng 4.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 14 triệu đồng.
Chu Hữu Thọ: Tôi bổ sung ý kiến của anh Trung một chút. Con số ấn tượng nhất đối với tôi là độ ẩm thấp nhất ghi nhận được ở Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng). Theo đó, độ ẩm không khí giảm xuống chỉ còn 25%, lần đầu tiên chúng tôi có phản ứng như là buồn nôn, đau đầu, khó thở rất rõ rệt.
Kỷ niệm nào mà các anh nhớ nhất trong hành trình vừa qua, có điều gì khiến các tiếc nuối hay không?
Bạch Thành Trung: Ngay tại thời điểm hiện tại, tôi chỉ mong sẽ có dịp thực hiện lại một chuyến hành trình tương tự. Ở đó, tôi sẽ dành nhiều thời gian để tận hưởng cảnh sắc con người, thực sự là một chuyến du lịch chứ không phải một chuyến đi để trải nghiệm cái xe. Tôi hơi tiếc vì đã tập trung quá nhiều vào cái xe, cứ cố gắng lắng nghe cái xe, tìm hiểu cái xe thành ra là đôi khi bị bỏ lỡ mất những thứ ở bên ngoài xe.
Thế nhưng, tôi vẫn rất ấn tượng với đồ ăn Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, nghĩ lại vẫn “thòm thèm”. Tất nhiên, khẩu vị mỗi người một khác nhưng riêng cá nhân tôi, có thể nói bữa ăn nào trong hành trình này cũng ngon miệng. Không hiểu sao, tôi lại phù hợp đồ ăn Trung Quốc, mặc dù cay và nhiều dầu mỡ nhưng ăn rất ngon.
Ảnh 9 (a.Trung): Tôi có chút tiếc nuối vì đã tập trung quá nhiều vào việc lắng nghe và cảm nhận chiếc xe. Nếu có cơ hội, tôi sẽ thực hiện lại hành trình này để khám phá cảnh sắc, con người nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cảm thấy đồ ăn rất ngon dù cay và nhiều dầu mỡ.
Sau chuyến đi này, các anh có dự định gì tiếp theo hay không, làm thế nào để có thể vượt qua được đỉnh cao vừa thực hiện này?
Bạch Thành Trung: Tôi nghĩ rằng, khó hay không là do mình tự đặt ra mục tiêu để vượt qua. Khi được anh Thọ và anh Giang (phó đoàn) mời tham gia hành trình này, tôi nghĩ rằng không thể thực hiện được. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ đi xe điện đến một nơi mình không nắm chắc về hệ thống sạc, nếu cứ đi sạc nhờ thì có khi một tháng lại thành ba tháng. Nếu như thế, tôi nghĩ chuyến đi sẽ không còn vui vẻ nữa.
Tuy nhiên, càng tìm hiểu, tôi càng nhận thấy việc này khả thi hơn. Đến khi trực tiếp thực hiện, tôi nghĩ rằng mọi thứ dễ hơn so với những gì chúng tôi hình dung.
Chu Hữu Thọ: Tôi nghĩ rằng, rất khó để có thể thực hiện lại một hành trình có nhiều cảm xúc như thế. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những điểm đến mới, biết đâu những gợi ý của khán giả sẽ giúp chúng tôi có thêm động lực và những điểm đến mới. Nếu được, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những hành trình mới bằng xe điện nói riêng, những phương tiện mà mình yêu thích nói chung.
Cảm ơn hai anh rất nhiều.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.