Bánh pía là một biểu tượng ẩm thực miền Tây, được làm từ đậu xanh, sầu riêng và trứng muối. Nếu từng đặt chân đến tỉnh Sóc Trăng (cũ), nay thuộc thành phố Cần Thơ, hẳn ai cũng khó lòng rời đi mà không mang theo vài hộp bánh pía làm quà.
Bánh nổi bật với lớp vỏ mỏng nhiều tầng, phần nhân đa dạng từ đậu xanh, sầu riêng thật, khoai môn, trứng muối đến dừa sấy. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm có độ đồng đều cao và thời hạn bảo quản lên tới hơn 70 ngày – yếu tố quan trọng để phục vụ xuất khẩu.
Từ chỗ chỉ phục vụ thị trường nội địa, bánh pía nay đã có mặt tại hơn 18 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Úc và Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn, thường xuyên “chốt đơn” với số lượng lớn.
Thành công trên thị trường quốc tế không chỉ đến từ hương vị đặc trưng, mà còn nhờ sự chuẩn hóa toàn diện về bao bì, truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế.

Ảnh minh hoạ.
Tăng chuỗi giá trị – Phát triển bền vững
Việc xuất khẩu bánh pía không chỉ là một thành công thương mại, mà còn là bước tiến trong chiến lược gìn giữ, hiện đại hóa và toàn cầu hóa di sản ẩm thực Việt. Bánh pía với hương vị truyền thống được “khoác áo” công nghệ hiện đại, giúp tồn tại vững vàng trong hệ thống phân phối quốc tế mà không mất đi bản sắc.
Song song, sự tăng trưởng xuất khẩu đã tạo ra một chuỗi giá trị bền vững: từ vùng nguyên liệu (đậu xanh, sầu riêng, trứng muối…) đến lao động địa phương và các ngành phụ trợ như: bao bì, logistics, vận chuyển lạnh. Đặc biệt, hoạt động sản xuất đã tạo công ăn việc làm ổn định cho cộng đồng dân cư nhất là người Khmer tại Cần Thơ, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Thành công của bánh pía còn trở thành hình mẫu để nhiều đặc sản Việt khác như bánh chưng hút chân không, bánh cốm hay trà Shan tuyết học hỏi mô hình chuyển mình ra thế giới. Một đặc sản địa phương, khi được đầu tư bài bản, có thể trở thành “đại sứ ẩm thực” và góp phần định vị thương hiệu quốc gia.
Một trong những cơ sở sản xuất bánh pía nổi tiếng là Tân Huê Viên. Khởi đầu từ một xưởng nhỏ tại xã An Hiệp, tỉnh Sóc Trăng (cũ), Tân Huê Viên đã không ngừng đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Sau gần 40 năm phát triển, doanh nghiệp hiện sở hữu nhà máy rộng hơn 1.200 m² với gần 1.000 công nhân, trong đó 80% là người Khmer, góp phần tạo sinh kế ổn định cho địa phương.
Tại các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế hay trên kệ siêu thị tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… bánh pía Tân Huê Viên không còn chỉ là món quà quê hương cho người Việt xa xứ, mà là một câu chuyện về ẩm thực Việt Nam đang hội nhập. Đó là câu chuyện về bản sắc, về sự đổi mới sáng tạo và chiến lược phát triển đặc sản bền vững từ vùng đất của bún nước lèo… nếu có hướng đi đúng có thể vươn ra thị trường toàn cầu.
Ngọc Minh