spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngTừng hạn chế hàng ngoại, người Nhật Bản quay xe dùng một...

Từng hạn chế hàng ngoại, người Nhật Bản quay xe dùng một mặt hàng từ Mỹ dù giá đắt đỏ, nguồn cung trong nước liên tục thiếu hụt

Dù phải chịu thuế nhập khẩu tuy nhiên mặt hàng này từ Mỹ về Nhật Bản vẫn rẻ hơn mức giá tại thị trường nội địa.

Khi tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng khiến giá cả tăng vọt ở Nhật Bản bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2024, chủ nhà hàng Arata Hirano ở Tokyo đã làm điều mà trước đây có vẻ không thể tưởng tượng được: ông chuyển sang dùng gạo Mỹ.

Giá gạo Calrose California mà anh mua đã tăng gấp đôi kể từ lần đầu anh mua vào mùa hè năm ngoái, nhưng dù vậy, nó vẫn rẻ hơn nhiều so với các loại ngũ cốc đang được bán tại thị trường nội địa.

Hirano, người có nhà hàng cung cấp các suất ăn gồm cá, cơm, súp và đồ ăn kèm, cho biết: “Trừ khi giá trong nước giảm xuống thấp hơn giá gạo Calrose, tôi không có ý định chuyển lại”.

Sự sẵn lòng tiếp nhận gạo nước ngoài của ông có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn về tư duy đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản. Giá bán buôn gạo trong nước đã tăng khoảng 70% trong năm qua và đạt mức cao nhất kể từ năm 2006. Mùa màng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao trong khi ngành du lịch bùng nổ đã làm tăng nhu cầu.

Trong bối cảnh lạm phát cũng làm tăng chi phí sinh hoạt, các doanh nghiệp hiện đang đặt cược rằng một quốc gia với người dân nổi tiếng với khẩu vị sành điệu và niềm tự hào về ngũ cốc chính của họ sẽ sẵn sàng thay đổi.

Siêu thị Aeon tuần trước đã bắt đầu bán hỗn hợp gạo Mỹ-Nhật với tỷ lệ 80-20 rẻ hơn khoảng 10% so với gạo trong nước sau khi đợt bán thử nghiệm thành công. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Matsuya và nhà điều hành nhà hàng Colowide bắt đầu phục vụ gạo Mỹ nguyên chất trong năm nay. Tại chuỗi siêu thị Seiyu, gạo Đài Loan đã bán hết veo từ năm ngoái.

Đây là sự tương phản rõ rệt so với năm 1993, khi gạo Thái Lan mà chính phủ Nhật Bản nhập khẩu trong thời kỳ thiếu hụt nghiêm trọng đã bị tẩy chay, khiến các siêu thị phải chất đống những bao gạo không bán được.

Nhật Bản giới hạn nhập khẩu gạo miễn thuế ở mức 100.000 tấn một năm, hoặc khoảng 1% tổng lượng tiêu thụ. Mỹ chiếm khoảng 60% số lượng đó trong năm tài chính trước, theo sau là Úc, Thái Lan và Đài Loan. Bất kỳ lượng nào cao hơn mức đó đều phải chịu mức thuế 341 yên/kg.

Khi ông Trump công bố mức thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới trong tháng này, ông đã chỉ trích Nhật Bản vì mức thuế 700% đối với gạo nhập khẩu. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng phản đối con số 700%, nói rằng nó dựa trên giá gạo quốc tế đã lỗi thời.

Thuế đối với gạo sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán thuế quan song phương bắt đầu vào tuần này. Một số nhà phân tích cho rằng phía Mỹ có thể không tập trung vào gạo vì xuất khẩu sang Nhật Bản đến từ California, một tiểu bang thiên về Dân chủ. Hiện vẫn chưa rõ Nhật Bản có thể sẵn sàng nhượng bộ bao nhiêu khi mở cửa thị trường gạo của mình.

Hội đồng tư vấn Bộ tài chính vào đầu tuần này đã đề xuất mở rộng nhập khẩu gạo, cho biết việc dỡ bỏ mức trần miễn thuế 100.000 tấn có thể giúp ổn định nguồn cung. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, lượng gạo nhập khẩu miễn thuế của Nhật Bản đã đạt mức trần 100.000 tấn lần đầu tiên sau 7 năm.

Lượng hàng nhập khẩu chịu thuế, mặc dù vẫn còn nhỏ, cũng tăng vọt, gấp bốn lần trong 11 tháng đầu năm tài chính 2024 lên gần đạt 1.500 tấn.

Và năm nay, nhà nhập khẩu gạo Kanematsu đang vận chuyển lô hàng gạo chính của Mỹ đầu tiên với số lượng lớn, trị giá 10.000 tấn. Người phát ngôn của Kanematsu cho biết: “Chúng tôi đang nhận được nhiều yêu cầu từ ngành nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và các nhà bán buôn gạo”.

Trong tuần tính đến ngày 6 tháng 4, giá gạo siêu thị Nhật Bản đạt mức trung bình 4.214 yên (29,65 USD/5 kg), đánh dấu tuần tăng thứ 14 liên tiếp và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật