Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có một loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới đó chính là cây hồi. Hiện nước ta là nhà cung cấp tiềm năng cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 11 đạt 1.147 tấn với kim ngạch đạt 5 triệu USD, giảm 13,8% so với tháng 10.
Lũy kế trong 11 tháng đầu năm nước ta đã xuất khẩu 12.299 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt 57,6 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 19,1% về trị giá.
Ấn Độ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với 8.116 tấn, chiếm tỷ trọng 66%. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long, Tuấn Minh, Senspice Việt Nam, Hồng Sơn Việt Nam và Huy Chúc M&M.
Theo thống kê, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước đạt 22.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha. Hồi là cây gia vị quý hiếm, hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc và được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng… đem lại giá trị kinh tế cao.
Cây hồi thường cao từ 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Mỗi năm cây chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý. Thông thường, cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4-5 năm trồng và cho thu hoạch tới vài chục năm. Năng suất của cây hồi từ năm thứ 4-6 vào khoảng 0,5-1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi, cây hồi sẽ cho năng suất ổn định, lên tới 40-50 kg/cây.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu, và Ấn Độ cũng là thị trường đích tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển thêm những sản phẩm gia vị phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ.
Theo thống kê, Việt Nam có 500.000ha các loại cây gia vị, với khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 40-50% tiềm năng, dư địa phát triển ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn.
Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, các địa phương phát triển cây gia vị theo quy hoạch, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.