Hiện nay, Việt Nam có hơn 14,7 triệu hecta đất có rừng, chưa kể đến nhiều diện tích đất trống đồi trọc. Do đó, dư địa để trồng rừng, phát triển rừng mới là rất lớn.
Trong bối cảnh cả thế giới chung tay chống biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, việc trồng rừng kết hợp khai thác tín chỉ carbon rừng mở ra cơ hội rất lớn để phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ rừng bền vững và giúp cho người dân cải thiện sinh kế.
‘Mặt hàng’ tiềm năng thu về hơn 12.700 tỷ VND
Đầu tháng 6/2024, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Văn phòng GIZ Việt Nam (thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ)) tổ chức hội thảo về carbon rừng tại tỉnh Phú Yên.
Tại đây, bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phát biểu rất đáng chú ý về tiềm năng khai thác tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
Bà Thúy cho biết, cho đến nay tại Việt Nam, đã có 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắl Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) nộp hồ sơ bán tín chỉ carbon cho cơ chế tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) với 4,26 triệu ha rừng (trong đó 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng). Dự kiến tổng số tiền bán tín chỉ carbon rừng sẽ lên đến 500 triệu USD (tương đương 12.713.750.000.000 VND, tính theo tỉ giá hiện tại), VnEconomy cho biết.
Carboncredits thông tin, Việt Nam đã đạt được một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi nhận được khoản thanh toán hơn 51 triệu USD từ việc giao dịch tín chỉ carbon rừng năm 2023.
Cột mốc này được đánh giá là tạo tiền đề cho các tỉnh của Việt Nam giải bài toán kinh tế, đẩy mạnh bán tín chỉ carbon rừng, đồng thời góp phần hiệu quả trong việc phát triển và bảo vệ rừng bền vững.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trên Báo Dân tộc và Phát triển rằng, đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD. Hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1 – 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương.
Khoản thanh toán này được lấy từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới (WB). Thành công ban đầu này là nhờ những sáng kiến của Việt Nam trong việc giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng rừng và trồng rừng mới.
Ngân hàng Thế giới (WB) đang đánh giá rất cao việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản Thanh toán dựa trên kết quả (RBP) từ FCPF.
Carboncredits cho biết, Thanh toán dựa trên kết quả (RBP) là một chiến lược năng động trong không gian phát triển bền vững. Nó được thiết kế để khuyến khích hành động vì khí hậu, thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon và thúc đẩy đổi mới.
Khoản thanh toán của WB ghi nhận thành tích của Việt Nam trong việc giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019. Đây là khoản thanh toán đơn lẻ lớn nhất cho các khoản tín dụng carbon có tính toàn vẹn cao và được xác minh mà FCPF thực hiện cho đến nay.
Cột mốc năm 2023 của Việt Nam mở đường cho mục tiêu Net Zero năm 2050
Thành công của chương trình REDD này đưa Việt Nam tiến gần hơn đến việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầy tham vọng theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực có tầm quan trọng sống còn đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.
[Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris].
Hơn nữa, Việt Nam đã vượt mục tiêu giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) được nêu trong Thỏa thuận thanh toán giảm phát thải; đồng thời đạt được tổng lượng giảm phát thải được xác nhận là 16,2 triệu tấn CO2.
Theo phân tích của Công ty tư vấn đa quốc gia của Mỹ McKinsey & Company, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua nỗ lực phối hợp khử cacbon trên tất cả bảy lĩnh vực, bao gồm: Nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, năng lượng, giao thông, quản lý rác thải, lâm nghiệp (gồm cả sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất).
Với lợi thế và tiềm năng to lớn, việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đang được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Tại Việt Nam, Chính phủ chỉ đạo đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành.
Tham khảo: Carboncredits, Báo Dân tộc và Phát triển, VnEconomy