Việt Nam có một loại cây gỗ dù được trồng phổ biến tại nhiều tỉnh thành với diện tích hàng trăm nghìn hecta nhưng lại là cây quý của thế giới chính là cây quế. Theo thống kê, nước ta đang sở hữu lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Riêng trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm.
Còn trên thế giới, quế được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia giống Casia và Madagascar, Sri Lanka giống Ceylon. Trong số khoảng 300 loài quế của thế giới, 4 loài có sản phẩm được lưu thông nhiều nhất trên thị trường quốc tế gồm: quế quan/ quế xây lan, quế bì/ quế Trung Quốc, quế thanh/ quế Việt Nam và quế rành. Quế quan được xem là loại quế có chất lượng tốt nhất, chiếm 90% thị phần EU, một thị trường rất khó tính.
Bên cạnh nguồn cung cấp nội địa, nước ta cũng đang nhập khẩu loại cây này từ các quốc gia khác để củng cố vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 34,4% toàn cầu.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 11/2024 Việt Nam đã nhập khẩu 408 tấn quế, kim ngạch đạt 1,0 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu tăng 54,0%. Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam đạt 234 tấn và 158 tấn.
Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 4.121 tấn quế với kim ngạch đạt 10 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng nhập khẩu giảm 71,9% và kim ngạch giảm 73,1%. Indonesia là nhà cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam với 1.978 tấn, chiếm 48%. Theo sau là thị trường Trung Quốc với 1.490 tấn, chiếm 36,2%.
Trước đó trong năm 2023 Việt Nam đã nhập khẩu gần 15 ngàn tấn quế, kim ngạch đạt 37,6 triệu USD. Về tình hình xuất khẩu, nước ta đã thu về 249,2 triệu USD từ xuất khẩu quế kể từ đầu năm đến nay, tăng 4% so với cùng kỳ.
Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.
Các chuyên gia cho biết, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, cần tháo gỡ 5 nhóm vấn đề chính là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.