spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngXuất khẩu gạo năm 2024: Chinh phục kỷ lục mới

Xuất khẩu gạo năm 2024: Chinh phục kỷ lục mới

Xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam với những con số tăng trưởng ấn tượng, vượt xa kỷ lục cũ đã và đang cho thấy sức mạnh vượt trội và bền vững của ngành lúa gạo nước nhà.

Tăng trưởng vượt bậc, thiết lập kỷ lục mới

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2024, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm trước.

Năm 2024 là một năm đáng nhớ đối với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam khi đạt kỷ lục mới về khối lượng và giá trị, 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn.

Với con số này có thể thấy, khối lượng gạo xuất khẩu năm nay của nước ta tăng đột biến với con số 0,9 triệu tấn so với con số kỷ lục đạt được năm 2023 là 8,1 triệu tấn.  Hơn thế nữa, giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công thương) nhận định, thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm 2024 của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. 

Kế tiếp đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 lớn của Việt Nam lần lượt là Indonesia và Malaysia. Trong đó, Malaysia là thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.

Đáng chú ý, tính riêng trong tháng 12, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 520 nghìn tấn gạo, thu về 390 triệu USD. Tuy nhiên, điều đáng nói là, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12 này. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.

Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam gần đây có biến động nhưng theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, cuối năm giá lúa gạo vẫn có thể tăng do nguồn cung trong nước bị hạn chế và thêm nữa là do bão lũ. Giải đáp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, đa số các doanh nghiệp đã có các hợp đồng từ nay đến cuối năm khá lớn. Cùng với việc phải giao số lượng lớn các gói đã trúng thầu cho các đối tác trong ASEAN sẽ giúp cho giá gạo vẫn duy trì ổn định. Trong thời gian tới, thị trường gạo sẽ khá ổn định và không có rủi ro cao.

Triển vọng năm 2025

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng “chúng ta có thể đạt được những bước tiến mới, nhất là về “chất” vì trong thời gian qua, gạo Việt đã tạo dựng được hướng đi khác biệt là tập trung vào những sản phẩm có chất lượng cao và được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Mới đây, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 3 lô với số lượng là 83.500 tấn gạo (chiếm 17%) trong gói thầu gạo số lượng 500.000 tấn vào tháng 10 vừa qua của Indonesia. Trong đợt mở thầu lần này, Indonesia mua được gạo với giá tốt hơn nhiều so với những lần trước nhờ sự tham gia của Ấn Độ. Tuy nhiên có thể thấy, do chất lượng gạo Ấn Độ không tốt bằng các nguồn như Việt Nam hay Thái Lan nên lượng gạo trúng thầu không cao.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp này đã tập trung nghiên cứu phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao và chuyển đổi cơ cấu trồng lúa. Nhờ đó, gạo Việt Nam có lợi thế rất lớn nhờ chất lượng ngày càng cao và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu. Tính đến nay, 95% giống lúa của Việt Nam là các giống lúa chất lượng cao, 89% sản lượng gạo là gạo chất lượng cao. Đặc biệt, nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao hơn nữa. “Đây chính là lợi thế cạnh tranh quan trọng hàng đầu của gạo Việt trong thời gian tới”, bà Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giải đáp về việc Ấn Độ vừa mở cửa trở lại với đường đua xuất khẩu gạo, các chuyên gia cho rằng không quá lo ngại, việc này chỉ có thể ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo 5% tấm, còn ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng và giá xuất khẩu tốt, ổn định. Thực tế cho thấy, sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 9 vừa qua, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam có xu hướng giảm từ 15 – 50 USD/tấn.

Còn ở khía cạnh cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, việc dịch chuyển sang các loại gạo chất lượng cao, gạo có tính đặc thù như gạo thơm đã giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm và tạo được vị trí trên thương trường cũng như lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. “Tuy nhiên, không thể phủ nhận Ấn Độ là quốc gia có vai trò lớn hàng đầu trên thị trường gạo thế giới. Do đó, động thái của Ấn Độ gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và giá xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, ông Hải nhấn mạnh và cho biết thêm, dự báo năm 2025, Ấn Độ có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm nay.

Vì vậy, theo ông Hải, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường xây dựng thương hiệu thông qua việc quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sẽ cùng với các hiệp hội, địa phương tiếp tục giám sát tình hình thị trường gạo toàn cầu. Mặt khác, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu và tận dụng hiệu quả hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ…

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật