spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngXuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 14-16 tỉ USD

Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 14-16 tỉ USD

Nếu như ngành rau quả có "át chủ bài" là sầu riêng thì ngành thủy sản vẫn đang loay hoay tìm động lực tăng trưởng mới

Năm 2024 được xem là năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu đạt mốc 10 tỉ USD giữa bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Thế nhưng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỉ USD vào năm 2030 như Chính phủ đề ra, ngành này cần có sự tăng trưởng 2 con số mỗi năm.

Giữ thị trường đã khó

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP HCM) – chuyên xuất khẩu tôm hùm, tôm sú, cua sang các thị trường châu Á – cho hay chưa có Tết nào khách đặt hàng ít như năm nay.

“Mọi năm, Trung Quốc và các thị trường lân cận đặt 50-100 tấn tôm hùm để phục vụ mùa Tết, còn năm nay chưa tới 40 tấn. Nguyên nhân vì Trung Quốc vừa mở cửa trở lại cho tôm hùm Úc. Nguồn cung này có giá rẻ hơn Việt Nam 200.000-400.000 đồng/kg nên ta rất khó cạnh tranh” – bà Thư lo lắng.

Theo bà Thư, trước giờ thủy sản Việt Nam có lợi thế khi bán cho Trung Quốc nhờ gần thị trường, chất lượng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhưng do việc nuôi trồng thủy sản theo phong trào, giá cả trồi sụt nên thiếu sự bền vững. Hơn nữa, nguồn tôm hùm giống chủ yếu hiện nay là nhập khẩu nên bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

“Trung Quốc là thị trường lớn, các doanh nghiệp (DN) trên khắp thế giới đều muốn bán hàng sang nước này và họ chuyên nghiệp hơn chúng ta nhiều. Người nuôi tôm hùm, cua đang rơi vào thế khó khi phải đầu tư nâng chất lượng và giá cả phải cạnh tranh hơn” – bà Thư phân tích.

Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), cho rằng năm 2024, ngành tôm đạt chỉ tiêu về xuất khẩu nhưng nhiều thành phần trong chuỗi không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân là do tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam thấp, giá thành tôm nguyên liệu cao, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador… Ngành nuôi tôm Việt Nam phụ thuộc con giống, nguyên liệu thức ăn nhập khẩu nên khó giảm chi phí sản xuất.

Thêm vào đó, thương nhân Trung Quốc trực tiếp đến các vùng nguyên liệu để thu mua tôm, sau đó thiết lập nhà máy gia công và đưa hàng về nước, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN sản xuất và xuất khẩu tôm sang nước này.

“Trong ngành tôm, các DN làm ăn hiệu quả chủ yếu là DN có tiềm lực, kinh nghiệm và đầu tư vào chế biến sâu để xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… DN mới gia nhập không dễ vì cần rất nhiều điều kiện, chưa kể những thị trường này gần đây cũng chững lại nên nếu đầu tư sẽ rất lâu hoàn vốn” – ông Khoa băn khoăn.

Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 14-16 tỉ USD- Ảnh 1.

Thủy sản cần tăng trưởng xuất khẩu 10%-15%/năm để về đích vào năm 2030

Cần động lực tăng trưởng mới

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 5-6 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ duy trì ở mức 8-10 tỉ USD mỗi năm (trừ năm 2022, khi yếu tố tác động từ bên ngoài giúp xuất khẩu đạt gần 11 tỉ USD).

Trong khi đó, Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 14-16 tỉ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, xuất khẩu thủy sản phải tăng trưởng 10%-15% mỗi năm, trong khi tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu trong giai đoạn này chỉ ở mức 5%-6%.

“Ngành rau quả những năm gần đây có sầu riêng giúp sức nên tăng trưởng vượt bậc. Do đó, ngành thủy sản cũng cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn và sự thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỉ USD vào năm 2030, ngành thủy sản không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến sâu mà còn cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp” – ông Nam nhìn nhận.

Phó Tổng Thư ký VASEP đề xuất các giải pháp hướng đến 2 đối tượng tác động chính là nông dân – ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản và các DN chế biến, xuất khẩu. Ở khâu nuôi trồng, VASEP cho rằng đây là vấn đề sống còn, là tiền đề cho sự tăng trưởng. Nông dân cần được hỗ trợ vốn, tạo điều kiện sử dụng mặt nước, được tham gia bảo hiểm nông nghiệp để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần tập trung vào con giống tôm và cá tra – 2 mặt hàng thủy sản chủ lực – để tăng tỉ lệ nuôi thành công, giảm rủi ro khi đầu tư.

VASEP cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục các hoạt động ngoại giao kinh tế, khơi thông những thị trường mà thủy sản Việt Nam có lợi thế, có dư địa tăng trưởng cao. Ví dụ, thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam và đưa thuế suất về 0%; tháo gỡ thẻ vàng EU; mở rộng thị trường các nước Trung Đông và cộng đồng Hồi giáo…

VASEP cho rằng cần tổ chức Ngày thủy sản Việt Nam (Vietnam Seafood day) trong khối ASEAN – đây là cách Thái Lan đã thực hiện thành công. Hay như Hàn Quốc đã đẩy mạnh chương trình “K-Food” trên toàn thế giới. Việt Nam với mạng lưới ngoại giao tốt có thể thí điểm tổ chức chương trình “V-Food” nhằm tăng nhận diện thương hiệu thủy sản Việt ở các thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN thủy sản phát triển. 

Dự kiến năm 2025 xuất khẩu 11 tỉ USD

Theo VASEP, năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, có thể trở lại mốc 11 tỉ USD của năm 2022. Các yếu tố thuận lợi của năm 2025 là thị trường đang hồi phục, xu hướng tăng nhập hàng chế biến sâu mà DN Việt đang có lợi thế và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đối mặt không ít rào cản thương mại và sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu thủy sản khác.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật